Đồng hành giúp DN vượt qua khó khăn này, Chính phủ và các bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để chia sẻ với các DN, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của đất nước.
DN gặp nhiều khó khăn
Theo kết quả khảo sát 1.200 DN về tình hình COVID-19 mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng thì có khoảng 74% số DN trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động; chi lương cho người lao động; chi trả tiền lãi vay ngân hàng; chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác. Những giải pháp mà DN thực hiện phổ biến hiện nay là cắt giảm lao động (gần 39%); tiếp theo là cắt giảm chi phí (21%); tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%).
Đáng chú ý có khoảng 19% số DN trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều DN đã chủ động thực hiện các giải pháp để vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh như: Tích cực tìm thị trường mới; nâng cao chất lượng phục vụ; đào tạo lại nhân viên...
Để có thể vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, các DN đã đề xuất một số kiến nghị lên Chính phủ, trong đó, chủ yếu tập trung nhiều nhất vào giải pháp giảm thuế, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ.
Các doanh nghiêp vừa và nhỏ hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ DN
Trước những khó khăn của cộng đồng DN, ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; Đẩy mạnh thông tin truyền thông…
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng DN đã và đang được các bộ ngành tích cực triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các DN muốn được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Thứ nhất, phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Thứ hai, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Thứ ba, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi covid-19. Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra 4 quyết định về giảm lãi suất điều hành gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi, qua đó giúp các ngân hàng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện nguồn vốn để hỗ trợ các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5-1% nhằm hỗ trợ cho các DN, cá nhân vay vốn gặp khó bởi dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với một số Tập đoàn kinh tế tư nhân chủ chốt
Về phía Bộ Tài chính thì cho biết, đã rà soát để đề xuất gia hạn nộp thuế cho DN hoạt động trong các ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Theo đó, 93% DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ được gia hạn nộp thuế. Gói gia hạn nộp thuế sẽ được gia hạn trọng 5 tháng với số tiền là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Dự kiến các đối tượng được gia hạn sẽ phải nộp thuế vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12/2020.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc giảm thuế xăng dầu, phí, lệ phí cất hạ cánh của các hãng hàng không. Đồng thời, đang triển khai quyết liệt với các bộ, ngành về việc cắt giảm phí, lệ phí.
Phía Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 06 ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước những diến biến mới của dịch bệnh COVID-19.
Chia sẻ khó khăn cùng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương, DN và người dân cả nước cần nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời phải đón bắt các thời cơ kịp thời, biến nguy cơ thành thời cơ. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro cũng như có các kịch bản đảm bảo hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của DN để làm sao có chính sách tốt hơn phù hợp hơn trên cơ sở tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian tới.
Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm từ các bộ, ngành, địa phương, cùng nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, tin tưởng rằng, dịch Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ nhanh chóng được hồi phục./.
Đức Minh