Chủ Nhật, 24/11/2024 20:43:29 GMT+7
Lượt xem: 1404

Tin đăng lúc 07-03-2017

Chính phủ quyết liệt, nhiều lãnh đạo tỉnh vẫn thờ ơ

“Doanh nghiệp phải nằm chờ 3 ngày để xin gặp lãnh đạo tỉnh nhưng không được tiếp, thế thì tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp nằm ở đâu trong tư duy lãnh đạo, cán bộ công chức địa phương?"
Chính phủ quyết liệt, nhiều lãnh đạo tỉnh vẫn thờ ơ
Ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: enternews.vn

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân đặt vấn đề như trên tại hội nghị về một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

 

Đánh giá chung, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Nghị quyết 35 được thực hiện đã giúp chuyển biến mạnh các thủ tục với doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm tới mức tối đa các điều kiện kinh doanh, giảm chế độ xin cho và công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp.

 

Năm 2016, VCCI nhận được trên 400 kiến nghị của DN, VCCI đã báo cáo các bộ, ngành liên quan và đã có 320 kiến nghị được trả lời. Còn khoảng hơn 60 kiến nghị còn lại đang được các bộ ngành nghiên cứu và giải quyết. Bởi có những kiến nghị “vướng” ở tầm pháp luật, phải giải quyết ở chức năng văn bản, cần kiến nghị với Quốc hội xem xét sửa luật.
 

Qua một năm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã rất quyết liệt, tuy nhiên vẫn còn một số Bộ, ngành địa phương còn chưa thực sự lan tỏa tinh thần của Nghị quyết.

 

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình nhận định, Nghị quyết 35 là “luồng gió mới”, tạo niềm tin cho nhân dân vào Chính phủ, là đúng, là trúng lòng dân và doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng các Bộ ngành tăng cường kiểm tra thực hiện việc Nghị quyết 35 để phát hiện ưu, nhược, tăng cường hội thảo, tập huấn chuyên đề để nâng cao trình độ cán bộ công chức, coi đây là khâu cốt lõi.

 

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân kể ông đã đến một địa phương, nằm chờ 3 ngày để xin gặp lãnh đạo tỉnh nhưng không được tiếp. "Thế thì tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp của Nghị quyết 35 nằm ở đâu trong tư duy lãnh đạo, cán bộ công chức địa phương?", ông Đệ đặt vấn đề và cho rằng, một số địa phương ký kết với VCCI về thực hiện Nghị quyết 35 chỉ “cho có”, thực chất thì lại thiếu hành động.

 

Bên cạnh đó, ông Đệ cũng đề cập tới vấn đề thanh kiểm tra trong doanh nghiệp còn rất nặng. Nhiều văn bản thông tư đã cũ vẫn đang được viện dẫn, khiến nhiều doanh nghiệp bị thanh kiểm tra hàng chục lần/năm.

 

Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên cho biết, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng đúng là bộ máy bên dưới còn nhiều vấn đề.

 

“Chúng ta tin rằng đó là đúng hướng nhưng doanh nghiệp vẫn phải chờ. Chúng ta cần làm thế nào để nuôi sống các doanh nghiệp đang tồn tại, từ đó làm động lực cho các doanh nghiệp khác mở rộng”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên nhận định.

 

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ, AmCharm cho hay có những mâu thuẫn giữa luật và các văn bản dưới luật, khiến cho nhiều thủ tục có thể mất tới 390 ngày để hoàn thành. Bà hiến kế nên có những sửa đổi về luật pháp để đồng bộ hóa hệ thống quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

 

DN đóng cửa vì quy định chồng chéo

 

Theo ông Mai Đình Mạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Cơ điện Việt Nam, nợ đọng kéo dài trong những dự án vốn Nhà nước đang là điểm vướng cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thuộc hiệp hội cho biết có những dự án từ những năm 2011, 2015 nhưng đến nay doanh nghiệp hiện mới thu hồi được 50%. Ông Mạnh nhận định: “Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, việc nợ đọng này sẽ làm doanh nghiệp “chết””.

 

Ông Mạnh kể, có một doanh nghiệp làm đường dây cao thế cho một địa phương tại TPHCM. Dự án kết thúc từ 2012, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn bị nợ 10 tỷ đồng. "Với doanh nghiệp nhỏ mà bị nợ thế thì khó khăn lắm. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết", ông Mạnh nói.

 

Trong khi đó, ông Trần Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp trong ngành phải đóng cửa bởi nghị định và thông tư chồng chéo nhau. Ví dụ, một quảng cáo ngoài trời mấy chục m2 lại yêu cầu phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều này là không thể. Các nhà quảng cáo về thuốc và bao bì được cả 3-4 bộ cùng xét duyệt hay cùng nội dung nhưng Bộ Công Thương đồng ý còn Bộ Y tế lại không đồng ý.

 

Do đó đại diện Hiệp hội quảng cáo kiến nghị cải cách thủ tục hành chính phải theo hướng tập trung và nhất quán, có sự điều chỉnh phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp ngành quảng cáo.

 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề nội tại trong doanh nghiệp, thừa nhận một số doanh nghiệp mà văn hóa doanh nghiệp còn yếu kém, không hợp tác, không tái cấu trúc trong thời điểm này, không tự làm mới mình, ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng “vẫn còn tình trạng trên trải thảm, dưới rải đinh, doanh nghiệp lót tay ít thì không yên tâm, đưa nhiều thì không có”.

 

Theo TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, tinh thần chung của các ý kiến từ các Hiệp hội doanh nghiệp đều cho thấy Nghị quyết 35 là bước đột phá về chính sách, nếu thực hiện được đúng như Nghị quyết thì sẽ là sự hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên kết quả còn chưa thực sự được mong muốn bởi ở một số nơi, một số bộ ngành còn trì trệ, không muốn bắt tay vào thực hiện và giải quyết với nhiều lý do.

 

Nguồn Báo Chính Phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang