Nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn, bên cạnh công tác chống dịch Covid – 19, Chính phủ liên tục đưa ra các đòn bẩy kinh tế như giảm lãi suất, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu nội địa..., và việc tập trung gỡ “điểm nghẽn” trong đầu tư công là một trong những việc lớn được đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những “điểm nghẽn” cần gỡ
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng vốn đầu tư công giải ngân chậm chủ yếu là do nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, đầu tư công trình, dự án bằng nguồn vốn nhà nước không chỉ phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, mà còn phải đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Nhiều dự án riêng khâu hoàn thiện hồ sơ xây dựng công trình, dự án mất tối thiểu 26 tháng.
Trong quá trình thực hiện các dự án trên, hầu hết thủ tục hành chính vô cùng phức tạp, tính phân cấp phân quyền không rõ ràng dẫn đến một nội dung thay đổi thiết kế hoặc phát sinh chi phí rất nhỏ cũng phải lấy ý kiến bằng văn bản của rất nhiều cơ quan mới được thông qua. Thông thường nhà thầu thi công phải tự ứng vốn của chính doanh nghiệp mình để triển khai trước cả năm nhưng khi thu hồi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON, “điểm nghẽn” cơ bản của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là thủ tục hành chính. Để xóa bỏ điểm nghẽn này các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa thay cho việc thực hiện vẫn còn cầm chừng.
Không ngại “va chạm” để giải ngân vốn đầu tư công
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát lại những rào cản hiện nay trong giải ngân vốn đầu tư công để đề xuất biện pháp tháo gỡ kịp thời, chỉ ra cho được văn bản pháp luật nào chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp để báo cáo sửa đổi, bổ sung ngay, kể cả việc kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật và pháp lệnh, Chính phủ sửa đổi nghị quyết, nghị định, các bộ ngành sửa đổi thông tư… Đây là những việc cần làm ngay, không thể chần chừ, chậm trễ hoặc làm theo định kỳ.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng để thực thi nhiệm vụ này. Phó Thủ tướng Thường trực đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tổ công tác để phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, thành viên Tổ công tác với tinh thần làm việc là không ngại "va chạm", không né tránh, không chờ đợi, chủ động đề xuất và kiến nghị với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp ngay khi phát hiện.
Theo Enternews