Sáng 20/10, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 10, kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ 13. Trong phiên truyền hình trực tiếp buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2015 và 5 năm 2011-2015, phương hướng hoạt động 5 năm 2016-2020 và báo cáo năm 2016.
Mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015.
Về các chỉ tiêu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.
Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD.
Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%.
Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội tăng 4 - 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Về các chỉ tiêu xã hội, đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53% .
Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân, năm 2016 đạt 24,5 giường. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số, năm 2016 đạt 76%.
Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống 10%, năm 2016 dưới 13,8%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3 - 1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25m2, năm 2016 đạt 22,6m2.
Để đạt được các mục tiêu của giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Đẩy mạnh xã hội hoá và thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công thiết yếu gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ phù hợp và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 3 - 3,5% và đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lực xây lắp kỹ thuật cao .
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân khoảng 8,7 - 9,5%/năm; đến năm 2020 tỉ trọng khu vực công nghiệp trong GDP khoảng 40% .
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao . Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 6,6 - 6,9%/năm. Tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP đạt 45% vào năm 2020.
Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Sớm triển khai xây dựng hiệu quả một số đặc khu kinh tế.
Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu . Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Khuyến khích khu vực ngoài nhà nước đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Khẩn trương triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối vốn đầu tư của Nhà nước và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Bố trí vốn tập trung ưu tiên cho vốn đối ứng các dự án ODA quan trọng; thu hồi vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; vốn cho các công trình chuyển tiếp cấp thiết; hỗ trợ cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng theo hình thức đối tác công - tư (PPP); đầu tư cho xây dựng nông thôn mới và các vùng còn nhiều khó khăn. Phân cấp rõ, đề cao trách nhiệm, tạo sự chủ động cho các Bộ ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tập trung tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của VAMC. Tăng cường thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, thao túng, gây hậu quả nghiêm trọng, xử lý nghiêm các sai phạm để bảo đảm an toàn hệ thống.
Phát triển mạnh các loại hình và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục tái cơ cấu DNNN, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển.
Nguồn: Vinanet.vn