Chính phủ vừa ban hành Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, bãi bỏ Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.
Nghị định 154/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 2 Điều 42 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 119/2010/NĐ-CPngày 30/12/2010 của Chính phủ).
Theo đó, tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện: Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được phép hoạt động khi có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ (còn Nghị định 119/2010/NĐ-CP trước đó quy định tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện: có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ; có trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định).
Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung bãi bỏ một số điều của Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ).
Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, (Bộ KH&CN) thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, Bộ KH&CN đã rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực KH&CN, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ điều kiện đầu tư, kinh doanh phải thực chất, quy định rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thực hiện.
Trong đó, tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng diễn ra mới đây, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ xem xét sớm sửa đổi Luật Đầu tư để loại bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Theo ông Linh, qua rà soát 8 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực KH&CN, tổng số có 121 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Bộ KH&CN đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa 62 điều kiện đầu tư, kinh doanh, đạt tỉ lệ 51%.
Đội mũ bảo hiểm góp phần giảm thiểu số lượng người bị chấn thương hoặc tử vong khi tham giao thông bằng phương tiện xe máy, xe đạp điện nếu va chạm hay tai nạn giao thông diễn ra. Đội mũ bảo hiểm làm giảm chấn thương vùng đầu lên đến 69%, làm giảm khả năng tử vong trong một vụ tai nạn xe máy khoảng 37%.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Diemar Otte, Khoa nghiên cứu tai nạn giao thông thuộc Đại học Y Hannover (Đức) về chấn thương vùng đầu khi đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, các dữ liệu được thu thập trên tất cả các vụ va chạm và sự phân bổ tác động chấn thương lên mũ bảo hiểm cho thấy có 19,4% chấn thương xảy ra ở phía bên phải khu vực cằm và 15,2% ở phía bên trái khu vực cằm. Kết hợp hai con số này lại cho thấy khu vực cằm chịu tác động nhiều nhất 34,6%. |
Nguồn: vietq.vn