Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:34:20 GMT+7
Lượt xem: 543

Tin đăng lúc 09-03-2024

Chính thức đấu giá băng tần 5G

Chiều 8.3, tại tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 Quốc gia đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 5G - khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz).
Chính thức đấu giá băng tần 5G
Bộ TTTT tổ chức đấu giá băng tần 5G - khối băng tần B1 vào chiều 8/3/2024

Phát biểu khai mạc phiên đấu giá, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng cho hay, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng với ngành TTTT, kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

 

“Cuộc đấu giá ngày hôm nay là một dấu mốc lịch sử khi đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện theo các quy định mới” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.

 

Trước đó vào ngày 17.1, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500 - 2600 MHz và băng tần 3700 - 3900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.

 

Theo đó, khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian theo Thông tư số 18/2020/TT-BTTTT ngày 20.8.2020 của Bộ trưởng Bộ TTTT về Quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

 

Khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức TDD theo Thông tư số 13/2023/TT-BTTTT ngày 23.11.2023 của Bộ trưởng Bộ TTTT về Quy hoạch băng tần 3560 - 4000 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam.

 

Khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức TDD theo Thông tư số 13/2023/TT-BTTTT ngày 23.11.2023 của Bộ trưởng Bộ TTTT về Quy hoạch băng tần 3560 - 4000 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam.

 

Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.

 

Giá khởi điểm đấu giá băng tần cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Cụ thể, giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz (Khối B1) cho 15 năm sử dụng là hơn 3.900 tỉ đồng.

 

Giá khởi điểm của khối băng tần 3700-3800 MHz (khối C2) cho 15 năm sử dụng là hơn 1.900 tỉ đồng.

 

Giá khởi điểm của khối băng tần 3800-3900 MHz cho 15 năm (khối C3) sử dụng là hơn 1.900 tỉ đồng.

 

Về thứ tự đấu giá các khối băng tần: Bộ sẽ tổ chức đấu giá khối băng tần B1 vào lúc 14h ngày 8.3; đấu giá khối băng tần C3 lúc 14h ngày 14.3 và khối băng tần C2 lúc 14h ngày 19.3.

 

Theo quy hoạch hạ tầng mới công bố, dự kiến đến năm 2025, tốc độ 5G tại Việt Nam sẽ đạt 100 megabit, và đến năm 2030, mạng 5G sẽ phủ sóng 99% dân số. Các nhà mạng Việt Nam cũng đã tiến hành thử nghiệm 5G trong vài năm qua, đồng thời đưa ra kế hoạch triển khai rộng rãi.

 

Theo Laodong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang