Nguy hiểm từ việc đốt than sưởi ấm
Dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn thương tâm nhưng người dân, đặc biệt là người ở các vùng miền núi, nông thôn vẫn thường xuyên sưởi ấm bằng cách đốt than củi, than tổ ong trong phòng kín. Mới đây, ngày 11-2, tại huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) đã xảy ra vụ ngạt khí khiến một người tử vong và một người nguy kịch do hai vợ chồng đốt than củi để sưởi ấm. Trước đó một tuần, cũng tại huyện này đã có gia đình 4 người bị ngạt khí khi đốt than sưởi ấm trong phòng ngủ dẫn đến hai bà cháu tử vong, hai mẹ con phải nhập viện cấp cứu.
Không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng sử dụng than hoa để sưởi ấm trong phòng ngủ, nhà tắm nhưng lại đóng kín cửa phòng, gây ngộ độc khí than. Hoặc có trường hợp lái xe và phụ xe chở hoa quả sang biên giới, do thời tiết quá lạnh nên đã đốt lò than hoa đưa vào cabin xe container để sưởi ấm, dẫn đến ngạt khí.
Thói quen đốt than để sưởi ấm và tiết kiệm chi phí đã có từ lâu. Không ít gia đình có phụ nữ mới sinh, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ sẽ đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm để sưởi ấm khi thời tiết giá lạnh. Tuy nhiên, đây là thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.
Hằng năm, cứ vào mùa đông, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lại tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc khí do sưởi ấm bằng bếp than, nhiều người trong số đó bị tử vong. Theo các chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong các loại ngộ độc khí, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh - tâm thần cao (chiếm 4 - 40%). Trong khói than chứa nhiều thành phần độc hại như cacbon monoxit (CO), CO2, nitơ oxit (NOx) và một số chất khác như lưu huỳnh oxit (SOx), muội than, hydrocacbon chưa cháy hết (CnHm), fomandehit (HCHO)... Các chất này khi tỏa ra trong không khí sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.
Tuyệt đối không đốt bếp than sưởi trong phòng kín.
Chủ động phòng, chống rét hợp cách
Thời gian tới, miền Bắc tiếp tục ghi nhận những đợt rét kéo dài, do đó, ngành Y tế đã tăng cường tuyên truyền các biện pháp giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khuyến cáo: Người già không nên dậy quá sớm hay vận động đột ngột; nên ở trong phòng kín gió, mặc quần áo đủ ấm, kiểm soát huyết áp thường xuyên để phòng nguy cơ đột quỵ. Trẻ nhỏ cần vệ sinh tay sạch sẽ, giữ ấm, ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Người dân cần lưu ý để tránh bị ngộ độc khí do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín hay bị bỏng lửa. Nếu phải ra đường, người dân nên giữ ấm cơ thể để ngăn ngừa bị tê cóng và giảm thân nhiệt bằng cách mặc ấm với quần áo chống gió; vào phòng kín khi bắt đầu cảm thấy lạnh; mặc vài lớp quần áo rộng để giữ nhiệt độ cơ thể. Đừng quên đeo găng tay và mũ che tai... Người dân hãy thường xuyên theo dõi các thông tin về thời tiết để chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, để giúp cơ thể chống rét, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo mỗi người cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp cơ thể giữ thân nhiệt tốt trong điều kiện thời tiết giá rét; không nên uống rượu bia vào những ngày rét đậm, rét hại vì khả năng sản sinh nhiệt của rượu rất ít. Sau khi uống rượu, cơ thể có cảm giác nóng lên là do cồn làm giãn mạch máu ngoài da, làm tán nhiệt trong cơ thể, khiến khả năng chống lạnh giảm xuống. Bên cạnh đó, cần rèn luyện sức khỏe, vệ sinh cá nhân hằng ngày nhưng phải thực hiện điều đó ở nơi kín gió và có thiết bị sưởi ấm để tránh nhiễm lạnh; không nên tập thể dục vào sáng sớm hoặc tối ở ngoài trời.
Theo Hà Nội mới