Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:45:35 GMT+7
Lượt xem: 750

Tin đăng lúc 23-02-2023

Chống buôn lậu, hàng giả: Đấu tranh tìm đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu

Cần có sự phối hợp toàn lực lượng, kiên quyết trong đấu tranh, đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chống buôn lậu, hàng giả: Đấu tranh tìm đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu điều hành Hội nghị.

Sáng 22/2, tại trụ sở Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải nêu rõ, năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 140.000 vụ việc vi phạm, tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có gần 12.000 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu,  hơn 124.000 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, gần 3.700 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng, giảm gần 30% so với nămg 2021; khởi tố hình sự 642 vụ/720 đối tượng.

 

Văn phòng Ban chỉ đạo 389 nêu rõ, buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả nóng trên mọi tuyến và hành vi gian lận ngày càng tinh vi. Đặc biệt, trong địa bàn nội địa, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác diễn ra trên hầu hết các địa bàn trong cả nước.

 

Ông Vũ Như Hà, Phó Cục Trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an nêu rõ, gian lận thương mại khi phát hiện trong nội địa thực chất là hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ, không rõ sản xuất ở nước nào được gom chung vào nhóm buôn lậu.

 

“Buôn lậu ở trong nội địa phải chứng minh được có yếu tố biên giới mới được thống kê vào buôn lậu, cho nên tương tự như hàng giả, với số lượng rất lớn cần phải được theo dõi xem có xâm phạm sở hữu trí tuệ, hay chưa đủ yếu tố để xác định là hàng giả. Đề xuất văn phòng Ban chỉ đạo hướng dẫn lại để tránh cách hiểu lầm sao buôn lậu hàng giả ngày càng nhiều, nhưng số liệu khởi tố lại rất ít, sau đó đồng nhất với các Bộ, ngành để công bố số liệu”, ông Hà nêu vướng mắc.

 

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương và hàng giả năm 2023, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.

 

Đề cao và gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương các cấp với kết quả công tác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ nhằm phòng ngừa tiêu cực, kịp thời phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, pháp luật, tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nêu yêu cầu cần phối hợp toàn lực lượng, kiên quyết trong đấu tranh, đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

“Để kiểm soát tốt và thực hiện có hiệu quả đối công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đề nghị tăng cường tăng cường biện pháp phối hợp như liên thông, xác minh dữ liệu, phối hợp nhiều cơ quan để đấu tranh đối với hàng giả, hàng buôn lậu xuyên biên giới với các đơn vị nước ngoài hoặc là phối hợp giữa chuyên ngành này với chuyên ngành khác, có sự kiểm tra chéo, ví dụ như dữ liệu thuế, dữ liệu hải quan”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra.

 

Thường trực Ban chỉ đạo cũng nêu rõ, cần phải thành lập một số cuộc kiểm tra đột xuất, bí mật đột xuất, kiểm tra vào nội dung vụ việc theo dạng hẹp, chẳng hạn kiểm tra tập trung vào cửa khẩu, hay tập trung vào những chỗ nào thấy có vấn đề nhạy cảm, hoặc có dư luận quan tâm sẽ nâng cao trách nhiệm của các ngành./.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang