Chủ Nhật, 24/11/2024 15:19:21 GMT+7
Lượt xem: 1335

Tin đăng lúc 17-11-2019

Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp: Sức ép ngày càng lớn

Không còn là nguy cơ, hiện tượng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hoá qua Việt Nam để xuất khẩu sang các quốc gia khác đã gia tăng nhanh chóng từ đầu năm 2019 tới nay.
Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp: Sức ép ngày càng lớn
Cần phải phân loại mặt hàng và thị trường theo từng giai đoạn cụ thể để kiểm tra, kiểm soát

Thảo luận tại hội thảo “Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại” do Bộ Tài chính, Bộ Công thương, và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 14/11, các chuyên gia cho rằng tác động xấu của hiện tượng này vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Nan giải hơn, các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn cũng còn rất mơ hồ.

 

Việt Nam cam kết đấu tranh quyết liệt

 

Ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại thuộc USAID nhận định, hiện tượng chuyển tải hàng hoá không phải là mới đối với Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu được phát hiện chuyển tải từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức. Chẳng hạn vụ việc đối với sản phẩm xe đạp năm 2000; kẽm ô-xit năm 2003; bật lửa năm 2004; giày mũ da năm 2008…

 

Các chuyên gia quốc tế nhận định, có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau về gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa được nhà xuất khẩu chuyển qua Việt Nam sau đó xuất khẩu đi nước khác mà không có sự thay đổi nào về vật lý, hay nói cách khác là sản phẩm vẫn như vậy.

 

Ngoài ra, sản phẩm tháo rời rồi xuất sang Việt Nam, sau đó trải qua công đoạn lắp ráp rất giản đơn thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất đi Mỹ, EU; trong khi sự lắp ráp đơn giản này không đủ để được coi hàng có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, một hình thức khác là xuất khẩu sang Việt Nam sản phẩm, nhưng thực tế lại là một bộ phận (linh kiện) của một hàng hoá không chịu thuế.

 

Ông Claudio Dordi đánh giá, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương lành mạnh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và những đối tác thương mại quan trọng khác, đồng thời cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các DN tuân thủ tốt. Theo đó, các DN sẽ bị chậm trễ khi thực hiện thủ tục xuất khẩu tại Hoa Kỳ và hàng hoá của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các giải pháp chống các hành vi gian lận xuất xứ.

 

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, có 13 nhóm mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng đột biến hơn 28% so với cùng kỳ năm 2018, tiềm ẩn rủi ro lớn về gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh như dây điện và dây cáp điện 252%; chất dẻo nguyên liệu 147%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ 140%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 100,52%... Đặc biệt là nhóm chất dẻo nguyên liệu xuất sang EU tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Phân loại để kiểm tra, giám sát

 

Ông Michael Greene - Giám đốc USAID đánh giá, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tượng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là mối quan ngại lớn đối với Hoa Kỳ. Vì vậy việc này đang ảnh hướng đến mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

 

Nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các DN xuất nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm siết chặt quản lý hoạt động này. Tuy nhiên theo cơ quan quản lý, sức ép hiện nay là rất lớn, vì làm thế nào vừa quản lý chặt chẽ để ngăn chặn gian lận thương mại, đồng thời vừa phải đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo thuận lợi thương mại.

 

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, xu hướng chung trong công tác quản lý và cải thiện môi trường kinh doanh là phải cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN và người dân. Cho rằng, “không phải cứ thấy xuất hiện gian lận thì siết chặt hết theo kiểu một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc”, bà Hương khuyến nghị, các cơ quan phải phân loại mặt hàng và thị trường theo từng giai đoạn cụ thể để kiểm tra, kiểm soát.

 

Bên cạnh đó, sắp tới mẫu C/O form A dành cho DN xuất khẩu sang thị trường EU, Nauy, Thuỵ Sỹ sẽ có hiệu lực, theo đó DN sẽ được quyền tự chứng nhận xuất xứ. Trong giai đoạn nóng bỏng hiện nay, quy định này sẽ là vấn đề khó khăn cản trở với chính DN và cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi cơ chế chứng nhận xuất xứ đang là bộ lọc để chúng ta kiểm tra, kiểm soát hàng hoá xuất khẩu. “Nếu thời gian tới không còn bộ lọc này nữa thì DN phải tự làm tự chịu trách nhiệm, chúng tôi thấy đó là nguy cơ cản trở rất lớn trong giai đoạn gian lận thương mại lan rộng như hiện nay”, bà Hương lo ngại.

 

Còn theo ông Âu Anh Tuấn, vấn đề chứng nhận xuất xứ hàng hoá đang gặp nút thắt rất lớn ở việc xác định sản phẩm như thế nào được coi là vượt qua giai đoạn gia công đơn giản.

 

Ông nhấn mạnh, tất cả các cơ quan quản lý có liên quan đến lĩnh vực này đều đang lúng túng trong việc xác định quy trình sản xuất như thế nào thì được gọi là đơn giản. Bởi mỗi ngành nghề đều có những đặc thù sản xuất khác nhau. Trường hợp hàng hoá không đáp ứng các quy định hiện hành như lắp ráp tại Việt Nam nhưng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc, cơ quan hải quan thực sự lúng túng trong việc vừa chống gian lận vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho DN sản xuất để tiêu thụ trong nước.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang