Nhìn lại 10 năm kiên trì thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty khoá Việt Tiệp cho rằng đây là hành trình còn nhiều cam go. Bởi lẽ thông qua cuộc vận động này, các cơ quan quản lý đã và đang thành công trong việc thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm trong nước; tuy nhiên, đi kèm với đó là việc sản phẩm Việt Nam sau khi có thương hiệu lại bị những đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bằng cách gắn mác “Made in Vietnam” vào sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.
Chính vì vậy, thời gian vừa qua những DN có uy tín đang phải đẩy mạnh việc chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của mình nhằm tiếp tục đồng hành với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đơn cử như khóa Việt Tiệp, hàng năm công ty đặt mục tiêu phải cho ra đời khoảng 10-15 sản phẩm mới và sản phẩm cải tiến với những tính năng mới và hiện đại, đồng thời cải tiến bao bì nổi bật, hấp dẫn và chắc chắn. Công ty cũng có những biện pháp trực tiếp để hạn chế hàng giả, hàng nhái.
Cụ thể là trong năm vừa qua, công ty phối hợp với cơ quan chức năng tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh… xử lý hơn 20 trường hợp vận chuyển, phân phối hàng giả. Ngoài việc kết hợp với cơ quan có thẩm quyền, công ty cử các nhân viên thị trường đến hướng dẫn khách hàng phân biệt hàng giả; hoặc tuyên truyền qua các phương tiện như tờ rơi, website… Để chống hàng giả tốt hơn, công ty còn dán tem xác thực cho sản phẩm của mình. Theo đó, khách hàng có thể sử dụng điện thoại có camera và kết nối internet để kiểm tra được sản phẩm là hàng thật hay hàng giả.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đánh giá, mặc dù ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu đối với các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm truyền thống mang văn hoá Việt Nam, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo hộ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Trong khi nhiều sản phẩm có tên tuổi phải tự mình kiêm nhiệm thêm công tác chống hàng giả, thì lại có trường hợp khác là sản phẩm tốt nhưng vẫn phải gắn nhãn hiệu ngoại mới tiêu thụ được.
Ông Nam lý giải, hiện nay công tác quản lý thị trường còn chồng chéo, năng lực kém nên hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy chưa ngăn chặn và đẩy lùi nạn hàng nháy, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng độc hại xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Do thiếu kinh phí nên công tác thống kê, quảng bá sản phẩm Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa thường xuyên, nên người tiêu dùng rất thiếu thông tin về sản phẩm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2016 đến nay, đơn vị này đã bắt giữ hàng loạt các lô hàng nhập lậu dán nhãn xuất xứ Việt Nam. Điển hình trong năm 2016, cơ quan hải quan bắt giữ lô hàng đèn led nhập khẩu của một công ty, phát hiện hàng ngàn sản phẩm đèn led và phụ kiện đèn led được sản xuất tại Trung Quốc nhưng trên bao bì lại ghi xuất xứ Việt Nam.
Từ năm 2016 đến nay, nhiều vụ việc hàng hóa giả mạo xuất xứ được phanh phui, trong đó tiêu biểulà vụ việc một công ty nhập khẩu mặt hàng băng keo lưới bằng sợi thủy tinh dùng trong xây dựng, xuất xứ Trung Quốc, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thực tế hàng hóa lại phát hiện nhãn hàng hóa trên bao bì trực tiếp và bao bì chứa đựng hàng hóa thể hiện nơi sản xuất là Việt Nam.
Nhiều sản phẩm gia dụng khác như nồi cơm điện, giày dép, quần áo, đồ điện gia dụng, phụ tùng xe máy, xe đạp… bị làm giả nhãn “Made in Vietnam” cũng đã được cơ quan hải quan bắt giữ trong năm 2017 và 2018.
Những con số nói trên cho thấy, càng ngày hàng Việt càng bị các DN làm ăn phi pháp lợi dụng gắn nhãn mác giả mạo để đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy theo các DN, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý thị trường cần ra tay mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tạo thị trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn tới.
Theo Thời Báo Ngân Hàng