Rau cải thảo có nhiều vào mùa đông, hiện đang được bày bán ở các siêu thị và các chợ đầu mối. Rau cải thảo rất bổ dưỡng, có vị rất ngọt và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại cải thảo có nguồn gốc Trung Quốc được ướp formaldehyde - một chất thường được sử dụng trong việc khử trùng và ướp xác. Formaldehyde có thể gây kích ứng da, gây ra các bệnh về tiêu hóa, đường thở và có khả năng gây ung thư.
Vì vậy, các bà nội trợ cần ‘bỏ túi’ ngay cách nhận biết cải thảo Việt Nam và cải thảo Trung Quốc để tránh mua phải rau độc hại.
Bà Trần Thị Hòe (49 tuổi, Hà Nội), chủ của hàng rau, củ quả sạch tại đường Hồ Tùng Mậu với 11 năm kinh nghiệm bán hàng chia sẻ: “Mùa này cải thảo là một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất, cải thảo dễ ăn, nhiều chất vừa có thể xào, luộc, làm kim chi. Tuy nhiên, để chọn được những cây cải thảo ngon không có chất kích thích độc hại, người tiêu dùng cần tinh ý vì nhiều người bán hàng thường trà trộn những loại cải thảo Trung Quốc nhằm thu lợi.
Đầu tiên để phân biệt hai loại cải thảo này, mọi người cần quan sát hình dáng: Cải thảo Việt Nam có bắp thon dài, đầu búp thường xoăn và hình thức không bắt mắt bằng cải thảo Trung Quốc, có thể hơi bị dập trong quá trình vận chuyển.
Ngược lại, cải thảo Trung Quốc thường được bọc trong túi lưới, có hình dáng tròn trịa hơn và mượt, không bị nhàu, nát hay xước, đầu búp uốn vào và không xoăn do được phun nhiều thuốc trừ sâu và bảo quản bởi các loại hóa chất.
Về kích thước: Mọi người chỉ nên chọn cải thảo có kích thước vừa phải, bẹ cứng, khi cắt, bên trong cây cải thảo chặt chẽ, các lá cuốn lại vào nhau.
Còn cải thảo Trung Quốc tuy có kích thước to hơn cải thảo Việt Nam, cầm thấy nặng tay hơn nhưng khi chẻ đôi, loại cải thảo này lỏng lẻo, các lá không bó sát lại với nhau, do đó không nên nhìn thấy cải thảo to là mua.
Bên trái: Cải thảo Trung Quốc (hình dáng to, nhưng lỏng lẻo); bên phải: Cải thảo Việt Nam (nhỏ, nhưng chặt)
Một đặc điểm khác để mọi người có thể nhận biết cải thảo Việt Nam và cải thảo Trung Quốc đó là về màu sắc: “Cải thảo Trung Quốc sẽ xanh đậm, nhìn trông hấp dẫn hơn, nhưng lại chứa nhiều đạm, thuốc sâu.
Cải thảo Việt Nam màu nhạt hơn, màu trắng sáng, không được bóng đẹp, mượt mà. Về mùi vị, cải thảo Việt Nam có vị ngọt nhẹ, thanh mát. Cải thảo Trung Quốc có vị ngai ngái. Nếu cải thảo vẫn còn tồn dư nhiều hóa chất thì luộc lên còn có mùi khó chịu và nước luộc chuyển sang màu xanh đen".
Cải thảo Việt Nam màu nhạt hơn, màu trắng sáng
Khi chế biến. Nếu là cải thảo Việt Nam sẽ có vị ngọt - mát rất dễ chịu, đặc biệt không tiết ra nhiều nước, nhưng với cải thảo Trung Quốc dù khi xào hay luộc đều tiết ra nhiều nước, khi ăn không có vị ngọt, hơi đắng he, lâu chín hơn”.
Một số cách sử dụng và bảo quản cải thảo được bà Hòe chia sẻ như sau:
- Mọi người cũng không nên quá phân biệt cải thảo ở siêu thị hay cải thảo ngoài chợ, hay những hàng rong, vì ở đâu cùng có thể tồn tại cải thảo Trung Quốc. Chỉ cần nắm vững cách phân biệt chắc chắn sẽ mua được cải thảo đảm bảo chất lượng.
- Không nên cắt ngang cải thảo, hãy cắt thẳng đứng để giữ được chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến. Cải thảo nên rửa trước sau đó mới cắt.
- Cải thảo không cần rửa, cho luôn cả cây, bọc kín bằng giấy báo và để trong ngăn mát tủ lạnh. Không để cải thảo chỗ nhiều ánh sáng dẫn tới bị đắng.
Nguồn PNO