Doanh nghiệp tư nhân tăng tốc đầu tư, đồng hành cùng mục tiêu phát triển hùng cường
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định vị thế phát triển quốc gia trong kỷ nguyên mới. Đây không chỉ là xu thế, mà là điều kiện tiên quyết, thời cơ vàng để Việt Nam bứt phá, trở thành quốc gia giàu mạnh, hùng cường.
Lãnh đạo các doanh nghiệp đều xác định sẽ không đứng ngoài kế hoạch của Chính phủ trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 8% trong năm 2025 và cao hơn, tới 2 con số trong các năm tiếp theo. “Các doanh nghiệp đều sẽ đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ.
Không dừng lại ở cam kết tăng trưởng, các doanh nghiệp đã sớm chuẩn bị kế hoạch đầu tư bài bản. Hòa Phát đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất đường ray trị giá tới 10.000 tỷ đồng, phục vụ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đường sắt cao tốc và các tuyến huyết mạch khác. Với năng lực sản xuất khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát đặt mục tiêu cung cấp vật tư đạt tiêu chuẩn, đảm bảo tiến độ và chi phí cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, Tập đoàn BRG đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội quy mô 4,2 tỷ USD, tạo đột phá về mô hình đô thị hiện đại và công nghệ cao. Còn THACO của ông Trần Bá Dương tập trung vào công nghiệp đường sắt, sản xuất toa tàu và cấu kiện thép theo chuẩn quốc tế với triết lý sản xuất tại chỗ, hợp tác với doanh nghiệp nhỏ và vừa để xây dựng chuỗi cung ứng nội địa hiệu quả và tiêu chuẩn hóa.
Chính phủ đã đặt mục tiêu GDP năm 2025 tăng trưởng tối thiểu 8%, làm nền tảng để từ năm 2026 đạt tốc độ tăng trưởng hai con số. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ đạo. Đây là lý do các doanh nghiệp lớn đang tăng tốc rót vốn ngay từ đầu năm, đồng thời kỳ vọng giải ngân đầu tư sẽ được cải thiện và chính sách hỗ trợ thuận lợi hơn.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất điện đang được nhiều tập đoàn coi là then chốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế số. Ông Đặng Việt Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup nêu rõ: “Cần có chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư vào điện, bởi nhu cầu tăng trưởng GDP 1% thì điện phải tăng 1,2 - 1,5% công suất”.
Tuy nhiên, bài toán giá điện đang là rào cản. Bà Mai Thanh - Chủ tịch REE kiến nghị: “Nên ban hành khung giá điện theo từng loại hình năng lượng, tránh đàm phán kéo dài không hiệu quả, để thu hút đầu tư và đảm bảo phù hợp thực tiễn phát triển”.
Địa phương bứt phá công nghệ, tạo lực đẩy năng suất và liên kết số toàn diện
Cùng với nỗ lực từ doanh nghiệp, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động đầu tư hạ tầng, đào tạo và triển khai chính sách chuyển đổi số, góp phần tăng năng suất và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang nổi lên như một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025. Tỉnh đã triển khai đồng bộ chính sách từ nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, tổ chức hội thảo, đào tạo nhân sự đến hỗ trợ tiếp cận hạ tầng số và công nghệ. Nhờ đó, hàng trăm doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đã từng bước ứng dụng thành công công nghệ mới, tiêu biểu như Công ty Haesung Vina và CellMech International Vina đều ứng dụng hệ thống giám sát sản xuất, quản lý thông minh, giúp tăng năng suất, giảm sai sót và chi phí vận hành.
Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến như đăng ký kinh doanh, khai thuế, bảo hiểm... Qua đó, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng tính minh bạch và hiệu quả quản trị công.
Ở miền Tây, tỉnh Đồng Tháp ghi dấu ấn bằng việc thúc đẩy kinh tế số từ chính những người nông dân. Như lão nông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán ở xã Tân Thuận Tây đã áp dụng công nghệ đo đạc môi trường qua điện thoại thông minh, giúp chăm sóc vườn xoài chính xác và hiệu quả. Ngoài ra, việc gắn mã QR cho từng cây xoài còn giúp minh bạch nguồn gốc, tăng giá trị sản phẩm khi tiếp cận thị trường khó tính.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 58% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sàn thương mại điện tử, gần 61% dân số mua sắm trực tuyến và hơn 430 sản phẩm địa phương kinh doanh đều đặn trên các nền tảng số. Nhiều doanh nghiệp tại đây cũng từng bước áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh, ERP, xử lý kho và quản trị chuỗi cung ứng.
Tại Hậu Giang, việc tổ chức thường niên Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp sáng tạo đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hơn 20 chợ 4.0, giúp người dân tiếp cận thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trực tuyến và nắm bắt xu hướng thương mại số hóa.
Không nằm ngoài xu thế, tỉnh Cà Mau đặt nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 là hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh kết nối số trong sản xuất nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử và các nền tảng quản trị trong du lịch, góp phần xây dựng kinh tế số toàn diện.
Có thể thấy rõ một xu hướng, sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp, giữa các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ, đang mở ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực chất. Đây chính là động lực cốt lõi để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước nhanh, bền vững và hùng cường như tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW mà Bộ Chính trị đã xác định.
Nguồn: VietQ.vn