Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:21:43 GMT+7
Lượt xem: 153

Tin đăng lúc 09-10-2024

Chủ động, linh hoạt các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường trong nước

Chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội...
Chủ động, linh hoạt các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường trong nước
Khung cảnh cuộc họp

Sáng 08/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Phan Văn Chinh chủ trì cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước.

 

Nguồn cung hàng hóa luôn được đảm bảo

 

Theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, tháng 9 là giai đoạn đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng, nguồn cung tốt nên giá tương đối ổn định. Trong dịp Tết Trung Thu, nhu cầu các mặt hàng bánh trung thu, hoa, quả tăng, nguồn cung đồi dào, đa dạng nên giá không tăng bất thường.

 

Trong giai đoạn các tỉnh phía Bắc bị bão, lũ, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, về cơ bản nguồn cung hàng hóa đã được Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, tiểu thương kinh doanh tại các chợ có phương án bảo đảm duy trì thường xuyên cho thị trường.

 

Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt, việc cung ứng hàng hóa luôn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được bổ sung thường xuyên từ việc điều phối của các doanh nghiệp từ phía Nam ra và từ nhập khẩu của Trung Quốc nên hầu như không thiếu hàng tăng giá bất hợp lý.

 

Đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh trưng, nước uống đóng chai... đến cho người dân.

 

Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, nguồn cung và nhu cầu không có biến động lớn, thị trường nhìn chung bình ổn, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, giá trong nước biến động theo giá thế giới.

 

Giai đoạn quý I/2024, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các Bộ, địa phương và việc triển khai tích vực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân.

 

Sang quý II/2024, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đổi bình ồn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn, giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến.

 

Trong quý III/2024, một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng của bão, lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều cơ sở hạ tầng thương mại bị hư hỏng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn bão, lũ do có sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Chính phủ, các Bộ, địa phương nên việc cung ứng hàng hóa bảo đảm đời sống cho người dân được thực hiện khá tốt, bên cạnh đó các hoạt động thiện nguyện cũng hỗ trợ tích cực cho công tác cung cấp hàng hóa cho người dân tại các các khu vực bị chia cắt.

 

Sau bão, các địa phương đã nhanh chóng sửa chữa, khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, ngày 27/8/2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng, thực hiện Chỉ thị nêu trên, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ giải pháp được giao nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong nước và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2024.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt 4.703.401 tỷ đồng

 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung GDP 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước tháng 9/2024 đạt 535.772 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó, mức tăng chủ yếu từ đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình, nhóm lương thực, thực phẩm, may mặc và dịch vụ khắc (tăng từ 1,1 - 2,5%), các nhóm còn lại giảm từ 1,2 - 3,8%.

 

Uớc 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ cả nước đạt 4.703.401 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và dịch vụ cả nước ước đạt 4.703.401 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước

 

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thống kê thông tin thêm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29% so với tháng trước, trong đó, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 2,09%) do việc tăng phí dịch vụ giáo dục tại một số địa phương; tiếp đến là nhóm thực phẩm (tăng 1,06%) do giá nhiều mặt hàng rau xanh, thực phẩm tăng tại các tỉnh phía Bắc đợt bão, lũ; các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,03 - 0,77%; riêng nhóm giao thông giảm 2,77% do giá xăng dầu giảm một số kỳ trong cuối tháng 8, đầu tháng 9.

 

Bình quân 9 tháng đầu năm, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm lương thực (tăng 14,23%) do giá gạo tăng cao từ cuối năm 2023 và giữ ở mức cao đến nay; tiếp đến là các nhóm y tế (tăng 7,46%), giáo dục (tăng 7,51%) do việc điều chỉnh tăng phí giáo dục và phí dịch vụ y tế theo lộ trình tại các địa phương; nhóm hàng dịch vụ khác (tăng 6,42%) do một số dịch vụ tăng theo lương cơ bản; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng (tăng 5,33%) do việc điều chỉnh tăng giá điện và giá thuê nhà, giá chất đốt tăng; các nhóm còn lại tăng 1,22 - 4%.

 

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại

 

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước đã được thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

 

Quý III/2024 (từ ngày 15/6 đến ngày 14/9/2024), lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 20.021 vụ, phát hiện, xử lý 13.851 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 136 tỷ đồng.

 

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 14/9/2024) lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 54.667 vụ, phát hiện, xử lý 38.102 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 438 tỷ đồng.

 

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa sau bão lũ và dịp cuối năm

 

Tổ Điều hành thị trường trong nước dự báo, giai đoạn cuối năm, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng để phục vụ các dịp Lễ, Tết cuối năm. Với việc thực hiện các giải pháp về kích cầu tiêu dùng theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng về kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước sẽ được hỗ trợ, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường sẽ tăng. Nguồn cung hàng hóa tốt nên giá hàng hóa sẽ được bình ổn.

 

Thời gian tới, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nàh nước năm 2024 và Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2024, trong đó có nhiều giải pháp góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.

 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Tích cực triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

 

Tổ Điều hành cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nônng nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, trong đó tập trung rà soát kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp, xem xét đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng đợt bão, lũ vừa qua để chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

 

Theo tapchicongthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang