Thứ Bẩy, 23/11/2024 13:57:31 GMT+7
Lượt xem: 798

Tin đăng lúc 06-06-2022

Chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong giao dịch Thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, việc giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa một cách nhanh nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro về thanh toán... Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số các đối tượng đã lợi dụng TMĐT để hoạt động vi phạm pháp luật, với các hành vi buân bán hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi.
Chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong giao dịch Thương mại điện tử

 

Theo phân tích của cơ quan chức năng, các đối tượng đã lợi dụng các tiện ích mà TMĐT mang lại để hoạt động vi phạm pháp luật trục lợi cá nhân như: Lợi dụng việc khai báo hải quan điện tử để buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng để bán hàng trên các website, sàn TMĐT, tài khoản mạng xã hội… Việc làm này không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

 

Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.

 

Theo ghi nhận, trên các website, sàn TMĐT, tài khoản mạng xã hội đã có rất nhiều tài khoản cá nhân hoạt động một cách công khai với những lời mời, quảng cáo rất hấp dẫn như khuyến mãi, miễn síp, giá rẻ cùng với các sản phẩm “thật 100%”… được Livestream trực tiếp, mua nhiều miễn ship đã thu hút lượng lớn người tiêu dùng truy cập, trao đổi đặt hàng đã gây không ít bức xúc cho người tiêu dùng.

 

Phản ánh của chị Nguyễn Thị Như Hoa, sinh sống tại Quận Hà Đông, chia sẻ, nhờ có mạng, cuộc sống cũng đã mở mang nhiều thứ, tiện lợi, mua bán rất thuận tiện, ngồi ở nhà mà mua được nhiều thứ hàng hóa. Nhưng chị cũng gặp không ít phiền lòng, khi bị mua phải hàng kém chất lượng trên một số trang cá nhân như Facebook, Messenger hiện nay. Do hấp dẫn với những lời mời, quảng cáo, giá rẻ, được xem Livestream trực tiếp sản phẩm đánh đúng vào nhu cầu, đã thuyết phục chị bỏ tiền mua sản phẩm quần, áo. Khi nhận hàng, chị được kiểm tra hàng và thanh toán (với 02 bộ quần áo ở nhà hết 199.000k + 35k ship), khi sử dụng chị thất vọng bởi không giống như những lời quảng cáo, chị cho rằng, mình bị lừa. Bức xúc, chị giao dịch lại trang cá nhân đó thì không có điện thoại liên hệ, không địa chỉ cụ thể, chỉ giao dịch trên tài khoản cá nhân đó, chị khiếu nại thì không được trả lời.

 

Anh N. M. P, sống tại Q. Cầu Giấy cũng rất bức xúc không kém và chia sẻ, anh cũng vừa mua phải một đôi giầy qua mạng kém chất lượng. Qua giao dịch tại một tài khoản cá nhân “Kaleea Wesley Cruz” đơn hàng giao dịch thành công, sau những lời quảng cáo có cánh, anh nhận được tin nhắn khoảng 03 ngày sau anh nhận hàng theo địa chỉ anh cung cấp với số tiền phải thanh toán 184k, (gồm tiền giầy 149k + 35k tiền ship). Khi nhận hàng anh cũng kiểm tra và đi thử sau đó thanh toán; vui vẻ với sản phẩm mua được giá rẻ, đúng ý thích. Qua 05 ngày anh sử dụng phát hiện bị thấm nước, anh tiếp tục trao đổi với nhà mạng thì tài khoản bị chặn, thất vọng mà không biết kêu ai, anh nghĩ do số tiền không lớn nên đành ngậm ngùi chịu thiệt.

 

Qua tìm hiểu, đối với các cơ sở bán hàng có uy tín thì sản phẩm được giới thiệu, quảng cáo đi kèm với địa chỉ, điện thoại và những chính sách hỗ trợ khách hàng khi sản phẩm bị lỗi, hỏng...

 

 Đối với các trang mạng cá nhân kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng nhái… trục lợi bất chính thì người dùng chỉ được gửi tin một chiều khi hai bên trao đổi thông tin, chốt đơn hàng giao dịch thành công. Khách hàng chỉ được kiểm tra hàng hóa khi nhận hàng, nếu trả lại thì lại mất phí ship. Khi sử dụng phát hiện hàng hóa kém chất lượng khách hàng không thể liên hệ được, phải thao tác lại đơn đặt hàng mới để phản ánh hoặc bắt đền, đổi sản phẩm thì tài khoản bị chặn, hoặc không trả lời, khách hàng gần như không có bất cứ một chính sách hỗ trợ nào từ người bán hàng, như vậy, đối tượng bán hàng cũng chẳng mất gì mà khách hàng luôn phải chịu thiệt.

 

Để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh trên trang mạng xã hội, các sàn TMĐT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, khi phát hiện các website, tài khoản mạng xã hội bán hàng hoặc liên quan đến cửa hàng vi phạm, lực lượng chức năng cần phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công An, từ đó hỗ trợ xác minh làm rõ thông tin của người quản lý website, chủ tài khoản mạng xã hội. Đồng thời, phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số để xác minh việc đăng ký hoạt động kinh doanh và kiểm tra, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.

 

Qua đây, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng, nâng cao cảnh giác với các chiêu trò, quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Không nên tin dùng các sản phẩm không rõ địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được quảng cáo, Livestream trên các trang mạng. Kiểm tra kỹ thông tin hàng hóa trước khi giao dịch, mua bán trên các sàn TMĐT, nhằm tránh những thiệt hại không đáng có xảy ra, gây bức xúc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Quang Đăng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang