Nhiều người vốn rất hào hứng với các chương trình khuyến mại về hàng hóa, dịch vụ và thường nhân đó làm cơ hội để mua sắm nhiều hơn. Tuy nhiên, khuyến mại cũng có muôn hình vạn vẻ, không ít người sau khi mất công đi mua hàng khuyến mại phải than thở: "Thà đừng ham khuyến mại còn hơn".
Mới đây, chia sẻ với PV Chất Lượng Việt Nam, chị Vũ Thu Hà (cư ngụ tại phố Trương Định, Hà Nội) cho biết: Do điện thoại bị hỏng nên chị có ý định mua một chiếc điện thoại mới. Khi vào website của một cửa hàng điện thoại nổi tiếng ở Hà Nội, thấy chương trình khuyến mại áp dụng cho Điện thoại Samsung Galaxy J7 Prime - Chính hãng rất hấp dẫn, chị Hà vô cùng háo hức.
Theo đó, với giá “hời” 6.290.000 đồng, khi bỏ tiền ra mua Samsung Galaxy J7 Prime, chị Hà còn có được tặng một loạt khuyến mại kèm theo như: Tặng điện thoại Nokia 105 trị giá 400.000 đồng, Sạc dự phòng Xiaomi 10000mah trị giá 320.000 đồng, gậy Selfie trị giá 45.000 đồng, Đèn Led Usb trị giá 35.000 đồng, Thẻ nhớ 16GB Class 10 chính hãng trị giá 160.000 đồng, Sim Vinaphone 3G - 9GB trị giá 100.000 đồng.
Đặc biệt, điều chị Hà thích nhất là chị còn được tặng gói bảo hiểm tai nạn bất ngờ 01 năm (dành cho khách hàng mua sản phẩm từ ngày 16/10 - 30/11/2016).
Do vậy, dù bận rộn công việc nhưng chị Hà vẫn giục chồng đưa tới một chi nhánh của cửa hàng trên phố Thái Hà để xem và mua trực tiếp sản phẩm. Tuy nhiên, khi vừa đến nơi, vợ chồng chị Hà như bị “dội một gáo nước lạnh” vào người khi cửa hàng thông báo: Không có điện thoại này để bán. Đồng thời, để tránh khiến khách hàng hụt hẫng, cửa hàng tư vấn, giới thiệu khách hàng chuyển sang sử dụng một số loại điện thoại khác.
“Tôi cảm thấy rất bực mình vì nếu không có hàng để bán hoặc hết hàng thì cửa hàng phải thông báo rõ ràng trên website để khách đỡ tốn công đến mua trực tiếp. Đằng này, trên website không hề có ghi chú nào. Đăng thông tin chỉ để "lòe" người tiêu dùng hay sao?” – chị Hà bức xúc nói.
Cách đây không lâu, tại một cửa hàng kính mắt trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), chủ cửa hàng yêu cầu nhân viên treo một băng rôn quảng cáo “to uỳnh” với nội dung “giá giảm còn 70% giá thị trường”, trong đó con số 70% được in to gấp đôi.
Nhiều khách hàng đi qua không kịp đọc kỹ, cứ nghĩ giá giảm tới 70% nên hào hứng dừng xe vào mua hàng nhưng khi thanh toán, họ mới “ngã ngửa” người biết mình bị hớ.
“Thực ra, cửa hàng chỉ giảm giá 30%, còn 70% giá cũ. Điều đáng nói, tại sao cửa hàng không ghi là giảm giá 30% đi cho nó dễ hiểu. Đúng là mình bị “dụ” bởi kiểu khuyến mại "lập lờ đánh lận con đen" này mà không biết trách ai”, anh Hòa, một khách mua hàng tại đây không giấu nổi sự tức tối kể lại.
Trao đổi với PV Chất Lượng Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết: Ông không lạ gì với các “chiêu trò” khuyến mại mà nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đã sử dụng để “bịt mắt” người dùng.
Ông Phú nói: “Chương trình khuyến mại bao giờ cũng có 2 mặt: Mặt tốt và mặt xấu. Tâm lý người dùng thích khuyến mại nhưng bản thân chương trình khuyến mại lại thường không trung thực và thiếu trách nhiệm. Ví dụ, thực chất doanh nghiệp chỉ có 10 chiếc chảo để khuyến mại cho người dùng nhưng họ tung vống lên thành 100 chiếc, thế là dân tình ùn ùn tới, chỉ 10 người đầu tiên được trúng thưởng thực, còn hàng loạt khách sau đó tới, họ bảo “100 cái đã khuyến mại hết rồi, thế là xong”.
Hoặc doanh nghiệp ghi “đại hạ giá 50%” nhưng sự thật thì chỉ có 1 chiếc chảo hạ giá 50% còn lại các mặt hàng khác chỉ khuyến mại 0,5% hoặc thậm chí 0%”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị HN: Tính minh bạch trong khuyến mại còn thiếu.
Ông Phú cũng không quên kể lại: “Tôi còn nhớ như in vụ siêu thị lớn ở Lò Đúc khuyến mại “lừa” người dùng năm nào đã được báo chí phản ánh. Họ khuyến mại thêm 1 xoong quấy bột nhưng khi khách tới mua thì phát hiện chiếc xoong này bị gẫy cán, quay ra hỏi siêu thị thì họ nói: Đó là hàng khuyến mại thêm, bà không lấy thì thôi”.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng “bóc mẽ”: Các chương trình khuyến mại có một số “chiêu trò” phổ biến như sau: Một là hàng đem ra khuyến mại là hàng rởm, lộn xộn. Thứ 2, đó có thể là hàng bày thử. Thứ 3, cách thức làm của doanh nghiệp, cửa hàng là nâng giá bán lên rồi hạ giá xuống, thậm chí giá khuyến mại còn cao hơn giá cũ.
“Tôi nghĩ các cơ quan quản lý, nhất là Sở Công thương các tỉnh, thành phố phải kiểm tra kỹ, tránh trò ú tim lừa bịp người dùng vì chương trình khuyến mại dễ đánh tráo, dễ làm ăn theo kiểu thất đức, dễ gây sốc cho người dùng. Thậm chí, có siêu thị còn khất nợ hàng khuyến mại vì không có hàng để trả hoặc gây khó khăn cho người mua.
"Muốn làm “chặt”, Sở Công thương phải kiểm tra, rà soát ngay từ khâu ban đầu, trước, trong và sau khi khuyến mại, bên cạnh đó, đội ngũ quản lý thị trường phải trong sạch, không để xảy ra tình trạng “bảo kê” cho doanh nghiệp làm ăn gian dối” – ông Phú nhấn mạnh.
Về phía người tiêu dùng, ông Phú cũng khuyên: Người dùng nên tỉnh táo, đừng thấy biển quảng cáo “đại hạ giá 50%” là lao vào, cẩn thận kẻo “ăn quả lừa”.
“Hiện nay, yếu tố minh bạch, công khai trong các chương trình khuyến mại đang rất thiếu. Dĩ nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp vẫn làm thật, có khuyến mại thật nhưng con số đó rất ít và không ai cân đo đong đếm được. Do vậy, người dùng nên cân nhắc trước khi bỏ tiền ra mua hàng, tránh bị “mua hớ” – ông Phú nhắn nhủ.
Nguồn VietQ