Văn hóa truyền thống của 54 dân tộc là nguồn lực quý báu
Sáng nay (15.2), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Ất Tỵ 2025, nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc, theo TTXVN.
Phát biểu tại Ngày hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ vui mừng được về dự Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" Xuân Ất Tỵ năm 2025 - một sự kiện thường niên được tổ chức, góp phần hội tụ, gắn kết các dân tộc, bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, một trong những giá trị quan trọng nhất của nền văn hóa truyền thống 54 dân tộc anh em chính là tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, đã tạo sức mạnh nội sinh, là nền tảng giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Khẳng định Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” không chỉ là một sự kiện mừng Xuân, còn là một hoạt động văn hóa, chính trị mang nhiều ý nghĩa, Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng, đây là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại, giữ gìn và làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa dân tộc, qua đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, tăng cường sự hiểu biết và đồng hành cùng nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh văn hóa truyền thống của 54 dân tộc là tài sản vô giá, là nguồn lực vô cùng quý báu để chúng ta xây dựng một Việt Nam hùng mạnh.
Nhờ vào sự đa dạng và phong phú của nền văn hóa, cùng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chúng ta đã, đang và sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức vươn tới những thành tựu vĩ đại trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong không khí vui tươi ngày hội đầu Xuân, Chủ tịch nước mong muốn toàn thể đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang hãy đem hết sức lực, nhiệt huyết, bằng hành động cụ thể, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, tạo dựng sự gắn kết, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam - nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để phát triển đất nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước trao quà tặng đại diện đồng bào các dân tộc tham dự Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc".
Tiếp đó, Chủ tịch nước đã dự Nghi thức mở cửa tháp và dâng trầm trên đền tháp của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Sau khi kết thúc Lễ mở cửa tháp, bên ngoài sân lễ là những điệu múa truyền thống gắn liền với đền tháp của đồng bào Chăm hòa cùng với tiếng trống Ginăng, trống Paranưng, kèn Saranai.
Thăm Làng dân tộc Mường, Chủ tịch nước dự Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường. Đây là lễ hội truyền thống gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình mỗi dịp Xuân về.
Năm 2022, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia.
Sau đó, Chủ tịch nước đã đánh trống Khai hạ và thực hiện nghi thức mở xá cày đầu tiên trong Lễ hội xuống đồng để mở ra mùa vụ sản xuất mới, khởi đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Chủ tịch nước và các đại biểu cũng đã trồng cây lưu niệm và cùng hòa vào “Hội Xuân bản Mường” trong âm thanh của dàn chiêng sắc bùa và nhạc ngũ âm.
Theo laodong.vn