Ngày (18/8), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt Nam tài năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ về dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là lần đầu tiên diễn ra một chương trình hợp tác khoa học - công nghệ mang tính hội tụ, kết nối có ý nghĩa thiết thực, quy mô lớn với sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tiêu biểu cho tài năng, trí tuệ Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn, các nhà khoa học tích cực tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các hoạt động phục vụ phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình, có tốc độ tăng trưởng cao, năng động với dân số trẻ và một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế có nền tảng phát triển tốt, trong đó có khoa học-công nghệ.
Hiện nay, với hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều nhà khoa học, chuyên gia có trình độ cao, một số có trình độ hàng đầu thế giới. Sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam trên thế giới là một nguồn lực quý báu để Việt Nam nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng thế giới về công nghệ và phấn đấu vươn lên trong một số lĩnh vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt tài năng trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành về các giải pháp như: dùng trí tuệ nhân tạo lĩnh vực y tế, đào tạo, việc chia sẻ cơ sở dữ liệu trong chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng như AI, big data, blockchain…và ứng dụng tự động hóa trong công nghiệp. Muốn làm được điều nay, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho phát triển trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ về chiến lược phát triển quốc gia dựa trên nền tảng của sáng chế và phát minh, bạn Davis Ngô, hiện đang công tác tại Mỹ cho biết, trong qua trình làm việc đã kết nối được một cộng đồng người Việt rất lớn là chuyên gia trong lĩnh vực này. Đồng thời cho biết, trong chiến lược phát triển quốc gia cần phát triển nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn so với nghiên cứu cơ bản. Bởi chỉ có nghiên cứu ứng dụng thì mới tạo ra các doanh nghiệp lớn như sony, hitachi, samsung như các nước đang làm.
Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những kết quả, đóng góp to lớn của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới vào những thành tựu chung của đất nước. Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ban, bộ, ngành liên quan trong việc chủ động xây dựng diễn đàn kết nối các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt Đoàn đại biểu người Việt tài năng trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ
Chủ tịch nước khẳng định, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là thu hút, trọng dụng nhân tài người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới để tham gia, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Chủ tịch nước cho rằng, thời gian qua, nhiều nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam đã về nước tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và khởi nghiệp sáng tạo, đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực khoa học - công nghệ quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi cá nhân có sự tham gia, đóng góp khác nhau nhưng nhìn chung, mọi người đều có tấm lòng hướng về quê hương, cội nguồn Việt Nam. Chủ tịch nước cũng nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động, mạnh mẽ, các sản phẩm và thành tựu công nghệ phát triển nhanh chóng; đồng thời khẳng định, khoa học - công nghệ trở thành yếu tố then chốt, mang tính quyết định để các nước đang phát triển bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến.
“Đảng, Nhà nước ta đã và đang triển khai các chính sách khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ để Việt Nam có thể tận dụng các thành tựu của các nước tiên tiến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học - công nghệ thế giới. Việc Bộ Kế hoạch đầu tư và các bộ phối hợp xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam là một trong những hoạt động cụ thể thực hiện chính sách này. Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan để tập trung nguồn lực, trao đổi, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia, ở trong và ngoài nước để mở rộng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”- Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.
Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu này, cần có sự chung sức, đồng lòng, hợp tác chặt chẽ của tất cả người Việt Nam, bởi đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh để đưa đất nước ta vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.Chủ tịch nước nhấn mạnh, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, thịnh vượng, có trình độ công nghệ cao là chính sách xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời khẳng định, đây vừa là trách nhiệm vừa là khát vọng của người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.
“Tôi kêu gọi các nhà khoa học, các chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới tiếp tục thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước bằng những hành động cụ thể, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng, phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các hoạt động phục vụ phát triển khoa học - công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước”- Chủ tịch nước mong muốn.
Chủ tịch nước tin tưởng, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam nhất định sẽ thành công, trở thành một biểu tượng mới của trí tuệ Việt Nam, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển./.
Theo Vov