Chủ Nhật, 24/11/2024 18:46:06 GMT+7
Lượt xem: 1707

Tin đăng lúc 09-01-2020

Chung sức bảo vệ thị trường dịp Tết

Thời điểm cận Tết, lợi dụng nhu cầu của người dân Thủ đô tăng cao, đặc biệt với mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, các đối tượng đẩy mạnh nhập lậu hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng về bán kiếm lời. Vì vậy, các cơ quan quản lý khuyến cáo, người dân nên chọn nơi mua sắm uy tín, hàng hóa đạt chất lượng, góp phần cùng các lực lượng chức năng chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, bảo vệ thị trường tiêu dùng.
Chung sức bảo vệ thị trường dịp Tết
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra, thu giữ số hàng hóa không có chứng nhận xuất xứ. Ảnh: Trần Việt

Liên tiếp bắt giữ hàng vi phạm

 

Trong tháng cao điểm từ ngày 15-11 đến 15-12, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 624 vụ, tổng số tiền xử lý hơn 6,2 tỷ đồng. Tính cả năm 2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 8.838 vụ, tổng số tiền xử lý hơn 110 tỷ đồng.

 

Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp bắt giữ lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm… Điển hình như, cuối tháng 12-2019, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp với lực lượng liên quan kiểm tra kho lạnh An Việt thuộc Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) đã phát hiện 25 tấn đùi gà hun khói do Hàn Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Trong đó, 12 tấn đã hết hạn sử dụng từ ngày 9-3-2019, nhưng đang được chủ cơ sở "phù phép" gia hạn đến ngày 1-3-2020. Toàn bộ lô hàng có giá trị khoảng 5 tỷ đồng đã bị lực lượng chức năng tịch thu để xử lý.

 

Trước đó, ông Vương Bá Dũng, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, kiểm tra doanh nghiệp tư nhân thực phẩm bánh kẹo Tú Tài (ngõ 8 đường La Phù, huyện Hoài Đức), lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.140 hộp bánh thành phẩm các loại, 27kg bánh nguyên liệu... do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; các mặt hàng thành phẩm, nguyên liệu có dấu hiệu vi phạm về định lượng...

 

Chia sẻ về những khó khăn trong quản lý, xử lý vi phạm ở lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, ông Trịnh Quang Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất trong năm. Ngoài việc làm giả mặt hàng các thương hiệu nổi tiếng thế giới, các đối tượng còn làm giả những mặt hàng "nội" được tiêu thụ tốt, có giá trị cao như dược phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ gia dụng, hàng điện tử… Đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta.

 

Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, chống buôn lậu còn mỏng; kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị, phương tiện thiếu và lạc hậu. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và các chủ sở hữu sản xuất hàng hóa chưa tốt. Nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng phạm tội còn “đất sống”. Đặc biệt, một số quy định về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều bất cập đã tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra và xử lý của lực lượng chức năng. 

 

 

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp lực lượng Công an phát hiện, xử lý các vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

 

Xử lý nghiêm vi phạm

 

Từ góc độ người tiêu dùng, bà Hà Hồng Phượng (trú tại ngõ 315 phố Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên) lo ngại: “Với công nghệ hiện đại, các cơ sở làm hàng giả, hàng nhái có thể làm tất cả mặt hàng thuộc mọi lĩnh vực. Nếu mua phải hàng kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng…”. 

 

Trước những nỗi lo của người dân, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, địa phương đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều kênh kết nối tới các doanh nghiệp để người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể gửi thông tin về những nghi ngờ hàng giả, hàng nhái tới cơ quan chức năng...

 

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các đội tăng cường tuyên truyền pháp luật, vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phối hợp kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm. Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm "nóng" như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp...; kiểm soát hoạt động vận chuyển qua các cửa khẩu hàng không, đường sắt, đường bộ...

 

Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả... Các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố như Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh…, đánh chặn từ xa hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm tại các cửa khẩu, vùng giáp ranh với các tỉnh biên giới, tránh tình trạng hàng lậu đổ về Hà Nội.

 

Trước nhiệm vụ nêu trên, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, trong đợt cao điểm triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc lợi dụng tình hình cung ứng, tiêu dùng tăng mạnh trong dịp lễ, Tết để gây bất ổn thị trường, thu lợi bất chính, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

 

Với các biện pháp mạnh từ các cơ quan chức năng, sự cảnh giác cao của người dân khi lựa chọn, mua bán hàng hóa, sẽ không còn "chỗ đứng" cho hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái..., thị trường tiêu dùng được lành mạnh hóa, mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng.

 

Theo Báo Hà Nội Mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang