Vừa biết tin này, chị Thu Hoài (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng không biết gia đình chị có nên dùng tiếp 2kg thịt bò Brazil còn lại không. Lâu nay, do sợ thịt bò trong nước còn tồn dư chất kháng sinh, hay mua phải thịt bò giả, nên gia đình chị đã chuyển sang sử dụng thịt bò nhập khẩu (NK) từ Brazil.
Kiểm soát chặt thịt NK từ Brazil
Liên quan tới vụ việc này, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến cáo, NK thịt từ Brazil của Việt Nam đang có chiều hướng tăng mạnh. Do vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các sản phẩm thịt NK từ Brazil thực sự an toàn đối với NTD.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2017, theo số liệu của Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil, Việt Nam NK thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch XK của Brazil sang Việt Nam. NK thịt từ Brazil có chiều hướng tăng mạnh.
Brazil đang đứng trước nghi vấn thịt bẩn. Cảnh sát liên bang Bra-xin ngày 17/3 đã ra thông báo mở cuộc điều tra vụ việc được cho là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và XK các sản phẩm thịt của nước này. Theo thông báo của cảnh sát và Bộ Nông nghiệp Brazil, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, thu thấp chứng cứ cáo buộc nhiều công ty, trong đó có cả công ty JBS và BRF, là hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil cũng như của thế giới, đã hối lộ các nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và XK các sản phẩm thịt nhiễm bẩn.
Cảnh sát đã phát ra hàng trăm giấy gọi trình diện trước tòa án, trong đó có 30 lệnh bắt giam. Cuộc điều tra được mô tả là lớn nhất trong lịch sử hoạt động phòng chống tội phạm của cảnh sát Brazil.
Nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không bảo đảm vệ sinh. Và để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại a-xít không được phép dùng trong thực phẩm. Các sản phẩm nhiễm bẩn này đã được phân phối trên thị trường nội địa thông qua các chuỗi siêu thị.
Theo thông tin của cảnh sát, một số sản phẩm thịt nhiễm vi khuẩn Salmonella đang trên đường XK sang châu Âu. Dẫn tới, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức có yêu cầu phía Brazil giải trình về bê bối thịt bẩn nêu trên.
Thịt ngoại chưa chắc an toàn
Việt Nam cũng vậy. Sự việc bê bối của Brazil được xem như là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho thói quen chuộng thịt ngoại hiện nay của nhiều gia đình.
Theo chị Thu Hoài, không riêng thịt bò, ngay cả thịt gà, thịt lợn, gia đình chị hoàn toàn sử dụng thịt NK. “Do không tìm được nguồn mua hàng tin tưởng, nên dù giá thịt ngoại khá đắt đỏ, tôi vẫn quyết định đầu tư để đổi lại bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả gia đình. Dù là thịt đông lạnh, nhưng do được NK từ các nước phát triển, có quản lý tốt về chất lượng, nên tôi hoàn toàn yên tâm”, chị Thu Hoài chia sẻ.
Tuy nhiên, trước sự việc trên, chị Thu Hoài cho biết thời gian tới sẽ cân nhắc việc có nên tiếp tục sử dụng thịt ngoại hay không.
Trên thực tế, không riêng gia đình chị Thu Hoài, mà nhiều gia đình Việt hiện nay thay vì sử dụng thịt trong nước đã chuyển sang dùng thịt NK, dẫn tới, tốc độ tăng trưởng của thịt NK vào Việt Nam trong những năm gần đây rất cao. Năm 2016, Bộ NN&PTNT cho biết Việt Nam NK trên 230.000 tấn thịt các loại, trong đó có 140.000 tấn thịt gà, hơn 100.000 tấn thịt heo và hơn 90.000 tấn thịt bò...
Trước đó, năm 2015, Việt Nam nhập 124.000 tấn thịt gà, 9.000 tấn thịt lợn và hơn 420.000 con trâu bò để giết thịt.
Đặc biệt, tốc độ NK thịt các loại tăng theo từng năm. Riêng với thịt bò, năm 2010, Việt Nam chỉ NK 25 triệu USD, nhưng 4 năm sau, con số này đã lên tới 92,5 triệu USD, tăng gần 4 lần.
Cùng với đó, theo khảo sát, 3 năm gần đây, nhu cầu thịt bò của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, trong khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ. Thị trường NK thịt bò khá đa dạng, từ Australia, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Brazil...
Hơn nữa, tỷ lệ NK gia cầm, gia súc về Việt Nam tăng nhanh trong bối cảnh nhiều dòng thuế của các mặt hàng này từ các nước ASEAN và châu Âu được dỡ bỏ. Năm 2017, thịt của các nước từ thị trường EU, Nga dự đoán sẽ vào Việt Nam mạnh hơn, khi mức thuế quan giảm.
Khảo sát tại Hà Nội, bên cạnh các siêu thị, nhiều cửa hàng thịt ngoại cũng đã hình thành, với giá bán thậm chí rẻ hơn từ 10.000 - 50.000 đồng/kg so với siêu thị, với chủng loại phong phú, dễ “mê hoặc” nhiều bà nội trợ Việt.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, trước ma trận “thịt ngoại”, NTD cần phải cẩn trọng. Bởi không phải cứ “ngoại” là chất lượng bảo đảm, vụ “bê bối” của Brazil là bài học.
Nguồn Thời báo Kinh doanh