Sau 10 năm triển khai, có thể nói Chương trình Khuyến công Quốc gia (KCQG) đã huy động nhiều nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp (SXCN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN); góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, TTCN, tạo công ăn việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở CNNT sản xuất nâng cao hiệu quả, tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải, bảo vệ môi trường… Hỗ trợ các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào SXCN - TTCN chính là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công. Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2022, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 628 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới với kinh phí thực hiện là 1.326 tỷ đồng (chiếm 52,% tổng kinh phí); hỗ trợ cho 8.100 lượt cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ KHKT vào SXCN - TTCN (ứng dụng máy móc tiên tiến); nhằm nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cơ sở sản xuất đang sử dụng, hoặc tạo ra sản phẩm mới.
Các đề án ứng dụng máy móc tiên tiến đã hỗ trợ tích cực cho các cơ sở CNNT nhận chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận phương thức quản lý và công nghệ sản xuất mới, nhằm nâng cao năng suất lao động, khai thác có hiệu quả ngành nghề phù hợp tại địa phương. Các mô hình qua đánh giá đều là những hình mẫu cho các giải pháp sản xuất khu vực nông thôn, giúp các DN, cơ sở CNNT ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; có những mô hình mang tính đại diện cho cả vùng và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường, mức doanh thu sau khi được kinh phí KCQG hỗ trợ tăng trung bình khoảng 20% so với mức doanh thu trước khi được hỗ trợ; nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, từng bước tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp - CNNT của mỗi tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là một nội dung quan trọng trong chính sách khuyến công, nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển. Giai đoạn 2013-2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức 28 Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 03 Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Quy mô mỗi Hội chợ triển lãm đạt khoảng 350 - 450 gian hàng tiêu chuẩn và trung bình có sự tham gia của khoảng 155-200 DN, cơ sở CNNT.
Các mô hình trình diễn kỹ thuật của các cơ sở CNNT được trưng bày tại Hội nghị
Về công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, tính đến hết năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức được 06 lần bình chọn cấp khu vực và 04 lần bình chọn cấp quốc gia. Kết quả đã bình chọn được 1.630 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Công tác bình chọn đã giúp các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận có cơ hội được quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ,và tham gia vào các nội dung hoạt động khuyến công khác, nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, đưa các sản phẩm CNNT của Việt Nam vươn tầm ra thế giới là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Từ năm 2014 - 2019, Chương trình KCQG đã hỗ trợ thuê 362 gian hàng cho các cơ sở CNNT tham gia 03 Hội chợ tại nước ngoài (Đức, Hồng Kông, Trung Quốc). Đây là các hội chợ chuyên nghiệp được tổ chức thường niên, thu hút lượng lớn khách hàng thương mại trên khắp thế giới tham gia.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động Khuyến công Quốc gia và Khuyến công địa phương của 63 tỉnh, thành phố trong 10 năm (2013 - 2022) là hơn 2.535 tỷ đồng, trung bình đạt 40,23 tỷ đồng/tỉnh/10 năm và hơn 4 tỷ đồng/tỉnh/năm; trong đó kinh phí Khuyến công Quốc gia là 1.042 tỷ đồng, chiếm hơn 41% và kinh phí khuyến công địa phương là 1.493 tỷ đồng, chiếm gần 59%. Ngoài ra, số vốn đối ứng của các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn 2013-2022 là hơn 10.500 tỷ đồng.
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận nguồn lực của chương trình tuy đã được quan tâm bố trí nhưng chưa đủ sức hấp dẫn đối với các DN, cơ sở CNNT trong đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương. Hơn nữa, khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở CNNT được hỗ trợ để chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập DN, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu DN… đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất CNNT, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn; góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu ngành kinh tế, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020.
Minh Phương