Chiều 21/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình đào tạo “Chuyển đổi số báo chí” do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Công ty Google tổ chức đã diễn ra Phiên thảo luận với chủ đề “Đổi mới mô hình kinh doanh báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số”.
Phiên thảo luận có sự tham gia của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý hợp tác chiến lược ngành Tin tức & Xuất bản của Google tại Đông Nam Á; ông Káp Thành Long, chuyên gia báo chí. Ông Nguyễn Lộc Vũ, phụ trách công nghệ Báo điện tử VnExpress tham gia trực tuyến từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh.
Lựa chọn chiến lược chuyển đổi số phù hợp với từng cơ quan báo chí
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết vấn đề chuyển đổi số báo chí được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ phải chuyển đổi thế nào và bắt nguồn từ đâu.
Ông khẳng định, ở thời điểm hiện tại, vai trò của công nghệ là điều không thể phủ nhận. Báo chí không thể phát triển được nếu không có công nghệ song hành, đặc biệt trong một thế giới “Digital First” luôn thay đổi một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Trong một cơ quan báo chí, nếu người lãnh đạo có tư duy về chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì tỷ lệ thành công đã được 60%. Nếu lan tỏa tư duy chuyển đổi số đến mọi ngóc ngách, hoạt động trong tòa soạn thì sẽ có thể chuyển đổi số thành công.
“Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không phân biệt tờ báo lớn hay tờ báo nhỏ. Một tờ báo nhỏ nếu có chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, giữ chân được lượng độc giả trung thành và duy trì được nội dung cung cấp cho độc giả thì khả năng chuyển đổi số thành công sẽ cao hơn các tờ báo lớn không có chiến lược đúng đắn”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi nội dung, chuyển đổi số báo chí còn là chuyển đổi văn hóa trong tòa soạn, từ khâu quản lý cơ sở hạ tầng bằng hệ thống trí tuệ nhân tạo cho tới quy trình vận hành từ quản trị viên đến biên tập viên, phóng viên…
“Mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ nào phù hợp với tòa soạn thì đầu tư, áp dụng, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả”, ông cho hay.
Tận dụng hiệu quả công nghệ trong chuyển đổi số báo chí
Đề cập vai trò của công nghệ đối với việc thu hút độc giả trở lại, ông Nguyễn Lộc Vũ, phụ trách công nghệ Báo điện tử VnExpress cho rằng, việc thu hút độc giả trở lại cần phải đi kèm với giữ lại được lượng độc giả hiện nay, trong đó, lượng độc giả trung thành cần được quan tâm nhất. Để có được lượng độc giả trung thành, ngoài yếu tố chất lượng nội dung, công nghệ sẽ hỗ trợ để nội dung có thể phát huy hiệu quả tốt nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm của VnExpress trong đầu tư công nghệ, ông Vũ cho biết công nghệ hỗ trợ tòa soạn trong xây dựng chiến lược xuất bản (thông qua công cụ thu thập dữ liệu độc giả để biết được độc giả quan tâm nội dung gì, từ đó có chiến lược chuyển đổi phù hợp…). Bên cạnh đó, công nghệ tăng cường sự gắn kết của độc giả với tờ báo, giúp độc giả dễ tiếp cận thông tin hơn; đồng thời giúp các phóng viên có nhiều thời gian để làm những công việc nghiêng về sáng tạo hơn, từ đó có những nội dung chất lượng giúp thu hút quảng cáo…
Đưa ra lời khuyên cho việc sử dụng, khai thác công nghệ trong tòa soạn báo chí ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý Hợp tác Chiến lược ngành Tin tức & Xuất bản của Google tại Đông Nam Á cho rằng các cơ quan báo chí nên tối ưu hóa những tài nguyên mình đang có, bắt đầu từ những thứ đơn giản, nhưng phải có chiến lược cho tương lai dài hạn.
Đồng tình với quan điểm này, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết khi nhắc đến công nghệ, nhiều người thường nghĩ đến vấn đề chi phí tốn kém, nhưng thực tế không phải như vậy. Có những việc các tòa soạn có thể làm hằng ngày như gửi newsletter để thông báo cho độc giả về các thông tin quan trọng, gắn công cụ (tool) để gợi ý thông tin phù hợp…
Theo ông, việc tìm công nghệ để đầu tư không khó, quan trọng là mỗi cơ quan có quyết tâm làm hay không.
Chia sẻ về vấn đề đầu tư công nghệ trong các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Lộc Vũ cho rằng không nên nghĩ công nghệ là một thứ gì đó quá to tát, hãy tiếp cận bằng phương pháp đầu tư nhỏ nhưng nhanh. Ông cũng chia sẻ quan điểm của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh là chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi về con người và tư duy. Tư duy phải thay đổi, phải chấp nhận làm và điều chỉnh.
Theo ông, khi đầu tư công nghệ phải xác định rõ công nghệ có mang lại lợi ích cho tòa soạn hay không chứ không nên đi theo xu hướng đám đông. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo chí cần có tầm nhìn dài hạn và chia nhỏ ra thành từng giai đoạn thực hiện, đồng thời phải có chỉ số đo đếm hiệu quả để tiến hành những điều chỉnh cần thiết.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho rằng các cơ quan báo chí cần có một lực lượng công nghệ, kỹ thuật nhất định. Bên cạnh xây dựng một đội ngũ công nghệ chuyên nghiệp, cũng cần hướng dẫn kỹ năng tối thiểu về mặt công nghệ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Ngoài ra, sự phối hợp với một số đối tác công nghệ chiến lược cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, cần cân bằng vấn đề tài chính xem cái gì cần thuê ngoài, cái gì có thể tự làm để tiết kiệm chi phí.
Theo Nhân Dân