Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA), năm 2022, doanh thu ngành quảng cáo trên toàn thế giới đạt 910,1 tỷ USD. Trong đó doanh thu tại thị trường Mỹ chiếm 365,6 tỷ USD và doanh thu tại thị trường Việt Nam chiếm 2,192 tỷ USD. Thị trường quảng cáo Việt Nam vẫn còn nhỏ hơn rất nhiều so với thị trường đang dẫn đầu thế giới là Mỹ, với gần 167 lần.
Không chỉ thấp hơn rất nhiều so với thị trường Mỹ, theo ông Nguyễn Trường Sơn, doanh thu thị trường quảng cáo Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á cũng có sự chênh lệch đáng kể. Cụ thể, tại thị trường Indonesia, doanh thu quảng cáo năm 2022 là 5,56 tỷ USD, tăng trưởng 8,1%; Thái Lan 4,301 tỷ USD, tăng trưởng 3,9%; Singapore 2,578 tỷ USD, tăng trưởng 8,4%; Philippines 2,551 tỷ USD, tăng 7,3%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu ngành quảng cáo của Việt Nam trong năm 2022 tại có tốc độ tăng trưởng khá cao, với 12,7%, mức tăng này được đánh giá cao hơn các quốc gia Đông Nam Á nêu trên. Phân khúc quảng cáo lớn nhất trong năm 2022 là quảng cáo TV và video. Cụ thể, doanh thu phân khúc quảng cáo TV và video trên thế giới đạt khoảng 325,8 tỷ USD, tại thị trường Mỹ đạt 143,3 tỷ USD và thị trường Việt Nam chiếm khoảng 1,19 tỷ USD.
Tuy nhiên theo dự báo của đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cơ cấu ngành quảng cáo tại Việt Nam đang có sự thay đổi, thị phần quảng cáo số trên toàn cầu sẽ chiếm khoảng 82% tổng doanh thu ngành quảng cáo vào năm 2027; tại Mỹ chiếm khoảng 86% và tại Việt Nam sẽ chiếm khoảng 62%.
Như vậy, trong tương lai, quảng cáo số sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao và dần trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Trong khi đó, quảng cáo qua kênh truyền thống sẽ dần thu hẹp do quảng cáo số có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn, mang lại hiệu quả cao hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, xu hướng quảng cáo trên nền tảng trực tuyến phát triển nhanh, dự báo vượt cả quảng cáo truyền hình, nên chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng và là xu hướng tất yếu đối với ngành quảng cáo hiện nay. Do vậy, việc chú trọng và đầu tư vào công nghệ sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành truyền thông quảng cáo tại Việt Nam thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số trong ngành quảng cáo hiện nay là vấn đề pháp lý, vì mọi hành vi kinh doanh hiện nay đều phải tuân thủ theo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, trong đó quảng cáo lại liên quan đến rất nhiều bộ luật khác nhau.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Công ty 5S Online cũng cho rằng, trên thực tế đã có doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện quảng cáo trên nền tảng quốc tế cho khách hàng thông qua Facebook, Google. Bởi khi thực hiện doanh nghiệp đã tuân thủ theo rất nhiều chính sách, quy định của pháp luật về thuần phong mỹ tục, nhưng khi phát quảng cáo thì vẫn bị nói là “quảng cáo đã vi phạm quy định”. Nhưng vi phạm như thế nào thì lại không nói rõ và đã gây thiệt hại hàng chục ngàn USD cho doanh nghiệp.
Còn theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), vai trò của ngành truyền thông quảng cáo là chú trọng đẩy mạnh chỉ số đổi mới sáng tạo, hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ, để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. NIC khuyến khích những doanh nghiệp tiên phong thử nghiệm và áp dụng công nghệ, mô hình mới giúp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp số và xây dựng nhân lực số.
Theo Vietq.vn