Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết, theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Tại Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ sẵn sàng cung cấp các giải pháp cho chuyển đổi số. Như hiện nay, Tập đoàn FPT đã và đang đầu tư phát triển những sản phẩm chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa hoạt động, tăng năng suất lao động, sáng tạo những mô hình kinh doanh mới. Chuỗi sản phẩm của FPT bao gồm hai lớp: những nền tảng và giải pháp toàn diện ứng dụng những công nghệ lõi của chuyển đổi số như AI, Big Data, Blockchain, Cloud… và các sản phẩm ứng dụng được đóng gói để ứng dụng ngay nhằm nâng cao hiệu quả quản trị như: FPT.U sercices, akaChain, akaBot, FPT.AI...
Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định, chuyển đổi số chính là chìa khóa cho Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội đưa Việt Nam lọt top 40 thế giới về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Những giải pháp mà FPT đang cung cấp và chiến lược của tập đoàn cũng đều hướng tới việc ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất nhằm tạo nên một nền tảng chuyển đổi số toàn diện, những giải pháp sáng tạo được nghiên cứu, phát triển bởi chính bàn tay, trí tuệ Việt sẽ giúp các doanh nghiệp giảm từ 30% đến 50% thời gian thực hiện các dự án chuyển đổi số.
Có thể nói, đến nay, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ tiên phong tại Việt Nam đã sẵn sàng và đang từng bước cung cấp các giải pháp cho chuyển đổi số. Với những nền tảng mang tính toàn diện, đi vào chiều sâu, sự thấu hiểu quy trình - kinh nghiệm chuyển đổi số cùng nguồn nhân lực chuyên môn cao, đây sẽ là động lực để Việt Nam có thể bứt phá và bắt kịp tốc độ công nghệ vũ bão của thế giới.
Cũng tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay ngoài các nhân tố như kết nối di động, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, điện toán đám mây thì cơ sở hạ tầng mạng chuyển đổi cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của chuyển đổi số. Theo Tổng Giám đốc Công ty Dasan Zhone Solutions (DZS) Việt Nam, Park Jong Hyun, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ và hầu hết các cơ sở hạ tầng mạng hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng số bao gồm: tốc độ, bảo mật dữ liệu, lưu trữ đám mây và đơn giản hóa.
Ra mắt Liên minh chuyển đổi số Việt Nam.
Một số khảo sát với các doanh nghiệp vào năm 2017 về vấn đề chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng mạng cho chuyển đổi số cũng cho thấy chỉ có khoảng 14,7% doanh nghiệp thật sự triển khai chuyển đổi số. Để giải “bài toán” thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn và ngân sách đầu tư eo hẹp cho doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, hiện nay, DZS đang cung cấp giải pháp FiberLan với khả năng tự động hóa thiết lập cấu hình cho các mạng doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp các nhà quản trị có thể tập trung phát triển chiến lược chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa các mô hình kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, tạo ra thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân, mọi lĩnh vực và mang đến cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam. Cần tập trung phát triển bốn loại doanh nghiệp công nghệ số: Thứ nhất, doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT; thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ có từ 10-20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công sẽ dần chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số; thứ ba, các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; thứ tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam chính là dựa trên các Platforms. Một nền tảng Platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng nghìn doanh nghiệp và giữa những người tham gia sẽ thúc đẩy tất cả các bên cùng phát triển. Mặt khác, chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ. Không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp… Đây sẽ vừa là Nhà nước đi đầu và cũng vừa kiến tạo thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.
Tại Diễn đàn, “Liên minh chuyển đổi số Việt Nam” đã chính thức được ra mắt với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn làm nòng cốt cho Liên minh như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, Mobifone, BKAV… thể hiện sự cam kết đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam với Chính phủ trong thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam.
Theo nhandan.com.vn