Thua xa mạng xã hội
Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đang có 779 cơ quan báo chí gồm cả ấn phẩm in và ấn phẩm điện tử, cùng với đó là 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Trong khi đó số mạng xã hội mà người Việt ưa chuộng sử dụng chỉ cần đếm trên đầu ngón tay là đủ, có thể kể tới như Facebook, Youtube, Tiktok hay Instagram. Tuy nhiên, những mạng xã hội này đang thắng thế hoàn toàn trước lực lượng đông đảo hơn mình gấp rất nhiều lần.
Qua một vài chỉ số thống kê có thể thấy rõ điều này, theo Similarweb, trong số 50 địa chỉ website được truy cập nhiều nhất ở thời điểm hiện tại, chỉ có 8 trong số này là các trang báo và những vị trí dẫn đầu đều thuộc về các mạng xã hội như Facebook, Youtube. Vị trí của các trang báo mạng cũng đang bị đe doạ bởi sự vươn lên mạnh mẽ của các mạng xã hội khác như Tiktok hay Instagram.
Có một thực tế, trong 10 năm trở lại đây, báo mạng Việt Nam chưa bao giờ vượt được mạng xã hội về số lượng người dùng cũng như lượt truy cập thường xuyên.
Sự thua kém trên tất yếu sẽ kéo theo những thiệt hại về kinh tế. Theo thống kê, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 820 triệu USD, dự báo năm 2021 con số này sẽ ở mức 955,7 triệu USD. Tuy nhiên khoảng 78% doanh thu trên lại rơi vào tay Google, Facebook... Và phần còn lại là dành cho báo chí và các mô hình truyền thông khác chia nhau. Nhiều chuyên gia dự đoán, khoảng cách trên sẽ tiếp tục được gia tăng trong những năm tới.
Ứng dụng công nghệ cao
Nói về quá trình chuyển đổi số đối với một tờ báo, Giám đốc công nghệ của New York Times Nick Rockwell khẳng định rằng: Một tờ báo dù có cung cấp thông tin theo lựa chọn của tòa soạn hay ứng dụng các công nghệ mới vào làm báo thì tất cả cũng sẽ chỉ hướng đến một mục tiêu cuối cùng là bạn đọc.
Để thực hiện được mục tiêu trên, các tờ báo lựa chọn hướng đi chuyển đổi số như Kinh tế & Đô thị (kinhtedothi.vn), Vietnamplus (vietnamplus.vn)… đã hướng tới xây dựng mô hình toà soạn hội tụ. Ở đó, tất cả các công đoạn từ giao đề tài, viết bài, đăng bài trên tất cả các ấn phẩm như báo in, báo điện tử đều có thể thực hiện và điều phối trên duy nhất một nền tảng CMS.
So với tòa soạn truyền thống, mô hình mới này không chỉ giúp khối lượng công việc được giảm tải mà mọi thứ còn được tiến hành nhanh chóng hơn nhờ bỏ qua được một số khâu trung gian cần phải có nhân sự thực hiện. Từ đó xây dựng được một tòa soạn nhỏ gọn, tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả cao.
Đối với khâu sản xuất nội dung, việc lấy trải nghiệm của bạn đọc làm trọng tâm đã được một số tòa soạn thể hiện rõ ràng hơn khi ngày càng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại nhằm giúp cho độc giả có đa dạng phương thức để tiếp cận với một tác phẩm báo chí.
Có thể kể đến như: Nội dung đa nền tảng (báo in, báo điện tử, báo di động, mạng xã hội); Sáng tạo với nhiều cách thức thể hiện mới như longform, megastory; Sử dụng live streaming, video 360 độ; Thể hiện bài viết qua file âm thanh…
Nhìn nhận được chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính bắt buộc cũng như sống còn với báo chí trong nước, trong khoảng một năm trở lại, Chính phủ và đặc biệt là Bộ TT&TT đã có nhiều sự trợ giúp mang tính căn bản để giúp các tòa soạn có thể thực hiện sự thay đổi này.
Đáng chú ý là vào đầu năm 2021 vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố 3 nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí. Cụ thể, nền tảng đầu tiên là quản lý tòa soạn điện tử. Nền tảng này cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn...
Nền tảng thứ hai là phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội. Nền tảng này giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần.
Thứ ba là nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, nhiều DN công nghệ trong nước cũng đã bắt đầu quan tâm tới chuyển đổi số cho báo chí khi cho ra đời những ứng dụng và công nghệ nhằm phục vụ quá trình này.
Có thể kể đến như: Viettel và CMC có đội ngũ chuyên biệt phát triển hạ tầng và ứng dụng cho báo chí; MobiFone có ứng dụng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo Text-To-Speech giúp chuyển đổi văn bản thành giọng nói tiếng Việt có cảm xúc; Yeah1 có nền tảng công nghệ hỗ trợ các báo khai thác quảng cáo…
Như vậy có thể thấy, các công nghệ hiện đại dành cho công cuộc chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí đều đã có và sẵn sàng được ứng dụng.
Theo Kinhtedothi