Thực tế, phương thức mua hàng trực tuyến ở Việt Nam đã xuất hiện cách đây vài năm, với sự xuất hiện của các trang thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee… và nhiều “ông lớn” trên thế giới như Lazada, Alibaba, Amazon… Đặc biệt, 2 tuần trở lại đây từ khi WHO công bố dịch chủng virus corona mới thì xu hướng này diễn ra mạnh mẽ, không chỉ ở các trang thương mại điện tử lớn mà ở tất cả trang cá nhân trên các mạng xã hội.
Cái khó ló cái khôn
Mấy tuần trở lại đây, do cảnh báo về dịch, tại nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng thời trang, các quán nhỏ… đều vắng khách. Các chủ hàng đều một tâm trạng chán nản do doanh thu giảm sút.
Chị Hoa Béo, bán hàng ăn trưa tại phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, bằng giờ mọi năm, cửa hàng của chị đông nườm nượp vì nhiều người quá ngán với các món ăn Tết truyền thống. Nhưng năm nay thì khác, lưa thưa có một vài khách qua đường nhỡ nhàng vào ăn. Để “cứu vãn” tình hình, chị đã kết hợp giữa bán trực tiếp và bán hàng trực tuyến. Ngoài đăng trên trên trang cá nhân Facebook, chị còn đăng ký bán trên ứng dụng Grab, nên một tuần trở lại đây, đều đặn chị nhận được 60-70 đơn hàng/ngày, doanh thu đã kéo lại.
Chị Mai Thu Liên, có cửa hàng thời trang trẻ em tại phố Mai Dịch, Cầu Giấy chia sẻ, trước đây chị cũng đã bán online, nhưng lượng hàng ít. Từ sau Tết, mặc dù cửa hàng vắng khách, nhưng đơn hàng tăng vọt. Chị đã phải thuê thêm người làm cùng, nhận đơn, lên đơn rồi thuê ship…
“Nắm bắt được tâm lý hạn chế ra ngoài mua sắm của người tiêu dùng đề phòng dịch bệnh, tôi đã nhập thêm các mẫu mã thời trang trẻ em do Việt Nam sản xuất, nên lượng hàng và giá cả luôn ổn định, vì thế khách hàng không giảm mà có chiều hướng tăng”, chị Liên nói.
Việc bán hàng không chỉ ở trang cá nhân mạng xã hội, mà tại các group như Chợ Quê, Mua Khéo, Mua Bán Chung, bachhoa xanh… hay các group cộng đồng của các khu chung cư như Vinhome Gardenia, HD Mon…, hoạt động mua bán cũng sôi động.
Những group mua sắm này đều tập trung và ưu tiên giới thiệu những sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng dược phẩm khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, vệ sinh cá nhân, chăm sóc nhà cửa...
Một nhóm nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy cho biết, thời điểm này, mua bán trực tuyến là sự lựa chọn hàng đầu. Đa phần các đơn hàng mà các chị ở văn phòng này mua đều của các chủ hàng uy tín, hàng có chất lượng, nên việc mua bán vừa góp phần phòng chống dịch bệnh, vừa tiết kiệm thời gian đi chợ như trước đây.
Xu thế của mua sắm trực tuyến
Ghi nhận của phóng viên, trong khoảng 2 tuần vừa qua, doanh số của các kênh bán hàng trực tuyến ở Hà Nội có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, trong khi các kênh bán hàng truyền thống (chợ), kênh bán hàng hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) có phần chững lại.
Thống kê từ GoViet cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, từ ngày 17/1 - 2/2 đã có gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, mang lại cho các đối tác nhà hàng doanh thu hàng chục tỷ đồng, tăng 120% so với Tết năm 2019.
Hay như siêu thị Co.opmart Hà Nội, trước khi diễn ra dịch viêm phổi cấp, tỷ lệ bán trực tuyến tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh.
Khi Việt Nam công bố dịch, kênh bán hàng trực tuyến của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày. Để kích thích người dân mua sắm trực tuyến, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng.
Đại diện truyền thông của siêu thị này cho hay, hiện tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được bán trực tuyến.
Đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market khẳng định, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng trực tuyến.
Mới đây, Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức buổi kiểm tra việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời gian diễn ra dịch viêm phổi cấp, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Retail cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2/2020.
Tuy nhiên, riêng hàng đồ uống có phần giảm sút, do ngành hàng này vẫn phát triển trên kênh trực tiếp, hơn nữa, từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực thì doanh thu trên các kênh bán hàng đều giảm. Lúc này, sự linh hoạt trong kinh doanh đã được các doanh nghiệp tính đến.
Theo một số chuyên gia, việc mở rộng kênh bán hàng trực tuyến là xu thế của xã hội phát triển, điều này vừa tiết kiệm được thời gian mua sắm của khách hàng, vừa giảm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm này, việc mua sắm trực tuyến sẽ hạn chế được đông người đến các nơi công cộng.
Theo Thời Báo Kinh Doanh