Đây là nhận định của PGS TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020” được tổ chức tại Hà Nội ngày 2/7.
CPI ở mức 3,5%
Theo đánh giá của Viện Kinh tế - Tài chính, 6 tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có 2 nhân tố chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.
Trong nước, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trong đó, giá thịt lợn tăng trên 100.000 đồng/kg trong thời gian qua cũng là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm trong 6 tháng đầu năm tăng tới 14,28% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhìn nhận từ chuyên gia, việc giá thịt lợn cao đã tác động rất lớn đến chi phí bữa cơm nhiều gia đình.Tuy nhiên, nhờ giá xăng dầu giảm làm cân bằng phần lớn các tác động tiêu cực từ việc giá thịt lợn neo ở mức cao.
Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho đưa ra nhận định: "Đầu năm 2020 chúng tôi đã đưa ra chỉ số CPI năm 2020 sẽ tăng trung bình 3,5%. Chúng tôi giữ nguyên dự báo lạm phát trung bình năm 2020 xoay quanh mức đó".
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các năm trước do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, “đòn” Covid-19 làm cho nền kinh tế không chuyển động.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiên liệu có xu hướng tăng, giá dịch vụ hàng không tăng, giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa tăng, rủi ro thiên tai.
Nhiều yếu tố ổn định CPI
Tuy nhiên, ông Minh cũng đưa ra 3 yếu tố sẽ kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020 như tình hình dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.
Đồng thời, cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt do các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và nhiều nơi đạt kết quả tốt. Bên canh đó, Chính phủ cho phép nhập khẩu lợn hơi, lợn giống cũng giúp giá lợn không tăng nóng như thời điểm đầu năm 2020.
Phân tích thêm, ông Minh cho rằng: “Cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực ổn định CPI”.
Để kìm chế lạm phát, ông Long cho rằng cần tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, xem xét lại vấn đề giá của bộ sách giáo khoa, giảm được giá thịt lợn… như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được.
Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Cục Quản lý giá cũng cho rằng cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có các giải pháp kịp thời bình ổn thị trường.
Theo Thời Báo Kinh Doanh