Chưa có chính sách hữu hiệu
Trong những năm qua, hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp luôn được thành phố Hà Nội coi trọng. Cụ thể, thành phố đã định hướng và nhập khẩu công nghệ từ nhiều nước tiên tiến trong một số lĩnh vực quan trọng đối với Thủ đô như cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải, cải tạo môi trường…
Điển hình là dự án chôn lấp bán hiếu khí theo công nghệ Fukuoka (Nhật Bản) hay Dự án đốt rác công nghiệp có thu hồi năng lượng để phát điện công suất 75 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn); công nghệ xử lý nước của Nhà máy Nước mặt sông Đuống có sự hỗ trợ của đối tác Đức…
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đã giúp một số doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài hoàn thiện hồ sơ và đăng ký chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ…
Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong thời gian qua chủ yếu thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp đồng nhập khẩu dây chuyền thiết bị công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước và nhà cung cấp nước ngoài.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hiện chỉ có khoảng 5-6% doanh nghiệp FDI hoạt động ở nước ta sử dụng công nghệ cao của thế giới, trên 80% sử dụng công nghệ trung bình, còn lại là thấp và lạc hậu.
Luồng vốn FDI tuy tăng nhanh những năm gần đây, song chưa giúp nhiều cho việc cải thiện công nghệ tại các doanh nghiệp trong nước. Về hình thức chuyển giao, kênh quan trọng nhất là mua công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị. Hình thức chuyển giao quy trình, bí quyết và trợ giúp kỹ thuật, chuyển giao sở hữu công nghiệp còn ít.
Nhận định về thực trạng trên, bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có các chính sách hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ đang ở mức thấp, khoảng 1,5% doanh thu, trong khi đó con số này ở các nước tiên tiến trong khu vực là 5-10%. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thiếu thông tin, kinh nghiệm trong việc đàm phán hợp đồng, nên nhiều trường hợp công nghệ bị lạc hậu ngay từ lúc nhập về…
Tháo gỡ nhiều rào cản
Nâng cao năng lực công nghệ để góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.
Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 và thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND, ngày 7-10-2019 để triển khai đề án, nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu này.
Hướng dẫn sử dụng, vận hành máy cắt công nghệ 3D CNC.
Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, đề án ra đời đúng lúc, khắc phục được một số khó khăn, tồn tại trong hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài hiện nay.
Đề án đã nhấn mạnh tới việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các tổ chức tín dụng, Quỹ Đầu tư và Phát triển thành phố Hà Nội, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để thực hiện chuyển giao, làm chủ công nghệ.
Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ nhập khẩu công nghệ cũng chính là nhóm giải pháp được đề án đặt lên trước tiên và thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần James Boat, doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ vật liệu PPC từ Cộng hòa Czech và đã cung cấp một số tàu tuần tra cho cảnh sát biển cho biết, thời gian qua, mặc dù đã được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ, song các doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ vẫn gặp một số khó khăn…
Ông Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao những hỗ trợ về đất đai, thuế, chính sách cho vay, bảo lãnh mà đề án đề cập, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin công nghệ, tư vấn thông qua các chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố và cấp quốc gia. Các doanh nghiệp sẽ tránh được nhiều phiền phức với việc tháo gỡ vướng mắc về quy định kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính khi nhập khẩu công nghệ trong lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Xuân Rao, các lĩnh vực ưu tiên phát triển được xác định trong đề án tuy đã đầy đủ, bao quát, song vẫn còn khá chung chung, cần được cụ thể hóa trong quá trình triển khai. Chẳng hạn, trong lĩnh vực truyền thông, điện - điện tử, cần xác định rõ ưu tiên phát triển mạng 5G, chip vi mạch. Mỗi lĩnh vực cần chọn theo tiêu chí công nghệ cao, thân thiện môi trường, công nghệ lõi để ưu tiên nhập khẩu và phát triển.
Bên cạnh việc nhập khẩu công nghệ, việc làm chủ công nghệ sau nhập khẩu cũng là vấn đề đáng quan tâm. Bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh, muốn nhập khẩu công nghệ cần có kinh phí, nhưng không phải cứ có tiền là nhập khẩu được công nghệ, mà còn phải nghiên cứu, thích nghi và làm chủ. Cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp với năng lực hiện nay của doanh nghiệp, trước hết là mua bí quyết, sáng chế, thiết kế... để giúp doanh nghiệp nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ.
“Hoạt động chuyển giao công nghệ cần được đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực trong xã hội; đồng thời, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên có khả năng tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả công nghệ mới”, bà Lê Thanh Hiếu cho biết thêm.
Theo Báo Hà Nội Mới