Đã qua rồi cái thời nhu cầu sử dụng bị lệ thuộc vào tính năng và cải tiến công nghệ thông minh từ các nhà sản xuất. Vài năm gần đây, các hãng công nghệ gia dụng tiếp tục cuộc chạy đua gay gắt hơn về tính năng tiện ích cho sản phẩm mới nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của khách hàng. Các công nghệ và tính năng mới chỉ thật sự có giá trị và đáng để người dùng chi tiền khi chúng thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Xu hướng này thấy rõ tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2017 ở Las Vegas (Mỹ) và Đại hội Thế giới Di động MWC 2017 tại Barcelona (Tây Ban Nha) mới đây.
Thưởng thức TV kiểu mới
Công nghệ tấm nền OLED với đặc trưng đi-ốt hữu cơ có khả năng tự phát sáng không cần phải nhờ tới nguồn sáng đèn nền (backlight) như công nghệ LED hay LCD trước đây. OLED hiện nay được xem là công nghệ tấm nền tốt nhất cho TV nhờ khả năng tải tạo màu đen phong phú và sâu, màu sắc chính xác, góc nhìn hầu như không hạn chế với độ sắc nét và màu sắc trung thực hơn bất cứ công nghệ hiển thị nào hiện nay. TV OLED có thể mỏng không công nghệ nào sánh nổi. LG là nhà sản xuất TV đầu tiên thương mại hóa dòng OLED TV và đã giới thiệu TV OLED Signature W Series 65 inch 4K HDR mỏng chỉ 2,57 mm tại CES 2017. Cũng tại đây, Sony đã trình làng dòng TV OLED XBR-A1E Bravia 4K. Nhưng màn hình OLED lại có một nhược điểm “chết người” là giá cực đắt, gấp trên dưới 3 lần màn hình LED. Dù đã giảm giá rất mạnh, dòng TV OLED 55 inch UHD 4K của LG ở Mỹ có giá 2.700 USD/chiếc so với giá 1.100 USD của TV LED 55 inch UHD 4K cùng hãng.
Samsung, nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới, đã chọn con đường khác là phát triển công nghệ TV QLED, ra mắt thị trường thế hệ đầu vào năm 2016. Nhân tố cơ bản của công nghệ QLED chính là công nghệ hiển thị Quantum Dot cho chất lượng hình ảnh cao hơn hẳn các công nghệ trước đó. Năm 2017, QLED TV có thiết kế mới nhằm giải quyết các vấn đề phiền toái người dùng thường gặp khi sử dụng TV như rối dây cáp, thiết bị treo tường dày và quá nhiều thiết bị hỗ trợ bên dưới TV. Thiết kế mới “No-gap wall-mount” giúp TV dễ dàng gắn lên tường hơn và liền lạc không để lại một khe hở nào giữa TV và tường.
Với thế hệ AQUOS Smart TV 2017, hãng Sharp tạo dấu ấn với dòng XU Series (70 inch và 80 inch) lần đầu tiên kết hợp giữa công nghệ nâng cấp 8K-Upconverter và công nghệ Quattron Pro 4 màu cho hiển thị màu sắc và hình ảnh đẹp tương đương chất lượng UHD 8K ngay trên màn hình có độ phân giải Ultra HD (4K) và Full HD. Dòng sản phẩm này cũng vừa được Sharp giới thiệu tại Việt Nam vài ngày.
Khí lạnh ngày càng thật hơn
Nhiều cải tiến đã được các hãng sản xuất máy lạnh liên tục tung ra với mục tiêu chung là giúp cho người dùng hưởng một không khí lạnh ngày càng thật hơn, trong lành, nhẹ nhàng, thoải mái như đang nghỉ ở... Đà Lạt.
Các dòng máy lạnh iAuto của Panasonic không chỉ có công nghệ làm lạnh cực nhanh mà còn có cả tính năng Aerowings với 2 cánh thoát hơi lạnh độc lập cho phép tập trung hơi lạnh vào một khu vực hẹp mà người dùng muốn làm lạnh nhanh và ưu tiên. Chẳng dễ chịu chút nào khi bị những luồng khí lạnh từ máy lạnh thổi tốc vào người vào ban đêm hay phải làm việc dưới máy lạnh. Vì thế, có hãng thiết kế máy lạnh thổi khí lạnh lên trên trần rồi mới lan dần ra khắp phòng.
Một giải pháp thiết kế đặc biệt Wind-Free của Samsung cho hơi lạnh lan tỏa ra khắp phòng qua 21.000 chiếc lỗ nhỏ li ti trên thân máy lạnh. Phòng vẫn được làm mát lạnh nhưng nhẹ nhàng và đều hơn, không còn những luồng gió lạnh phả ra.
Hãng Sharp cũng giới thiệu công nghệ J-Tech Inverter được tích hợp cho các dòng tủ lạnh Sharp với 36 cấp độ làm lạnh giúp tiết kiệm điện năng tối ưu. Nổi bật nhất là dòng tủ lạnh siêu cao cấp Double French Inverter với 5 cửa, dung tích 768L, với ngăn trữ tiện dụng có thể điều chỉnh tùy chọn đa nhiệt độ (3 oC, 0 oC, -8 oC, -18 oC) để giữ tươi hay cấp đông thực phẩm.
Chiếc tủ lạnh Family Hub 2.0 được Samsung giới thiệu năm 2017 được tích hợp chiếc màn hình LED 21,5 inch trên cánh cửa tủ giúp người dùng điều khiển tất tần tật các chức năng của tủ lạnh, xem TV như một màn hình “gương” truyền tiếp từ chiếc TV trong phòng khách, hay truy cập lướt web, xem video, nghe nhạc… qua kết nối WiFi. Ngoài ra, qua ứng dụng di động từ bất cứ đâu, khi đang đi siêu thị người dùng có thể nhìn thấy những gì đang lưu trữ bên trong tủ lạnh để kiểm tra những thứ gì sắp hết cần mua. Màn hình này còn giúp loại bỏ những tấm giấy sticker thông báo chi chít trên tủ lạnh, giúp mỗi thành viên trong gia đình có thể thiết lập một tài khoản riêng thông tin những gì mình muốn nhắn gửi.
Theo thiết đặt của người dùng, có những chiếc tủ lạnh thông minh có thể tự động liên lạc và đặt hàng với siêu thị, nhà cung cấp khi món hàng lưu trữ trong tủ lạnh sắp hết.
Ông Gary Shapiro, Chủ tịch và CEO của Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ (CTA), phát biểu tại CES 2017, thế hệ mới của các phát minh, sáng tạo sẽ cách mạng hóa thế giới. Các sản phẩm và dịch vụ được tiết lộ năm nay sẽ chạm tới gần như mọi ngành công nghiệp toàn cầu và đi vào từng gia đình như thực tế ảo, nhà thông minh, xe tự lái, người máy, thiết bị đeo, công nghệ sức khỏe và rèn luyện thể lực… Tất cả chúng tiết lộ tương lai của trải nghiệm được kết nối và mang lại tiện dụng cho người dùng.
Nguồn NLĐ