Sấu là cây bản địa có tên tiếng Hán là “nhân điện tử”. Quả sấu xanh rất chua nên khi ăn ai cũng nhăn nhó, má hóp lại khiến mặt có vẻ gầy gò nên dân gian gọi là “sấu”. Sấu có nghĩa là “gầy gò”. Không biết người Việt ăn quả sấu từ bao giờ nhưng sách chép, đầu Công nguyên, người Việt đã ăn quả sấu bằng cách tẩm mật với quả tươi, ướp muối rồi phơi khô, sau đó ngâm với đường làm ô mai. Khi làm cỗ, người ta nấu thịt gà, thịt vịt với sấu, gọi là canh sấu. Người xưa còn ướp quả sấu với muối để làm món tương sấu. Ngày nay, quả sấu ngâm với đường làm ra nước sấu đá, sấu bao tử ngâm nước mắm, sấu cho vào nước rau muống luộc... không còn là đặc sản của riêng Hà Nội mà đã lan ra nhiều nơi khác.
Về nguồn gốc cây sấu, sách “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn viết: “Huyện Phù Ninh (nay thuộc Phú Thọ), Bất Bạt (nay thuộc huyện Ba Vì) và Mỹ Lương (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình trồng rất nhiều sấu”. Xưa, người ở vùng này quan niệm, ông cha để lại cho con cháu không phải tiền bạc mà là vườn sấu và trám đen - hai loại cây “hưởng lợi trăm đời”. Vì thế, ở vùng này, nhà nào cũng trồng sấu và trám đen. Sấu thì bán quả còn trám đen bán hạt cho người làm nghề ép dầu. Trong Đông y, lá, hoa, quả sấu còn là những vị thuốc chữa một số loại bệnh.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm tỉnh Hà Nội năm 1883, công sứ Pháp là Bonnal đã chủ trương quy hoạch lại thành phố Hà Nội thuộc Pháp (tuơng ứng với quận Hoàn Kiếm và một phần quận Ba Đình ngày nay). Để giảm bớt cái nắng gay gắt của mùa hè miền Bắc, chính quyền thành phố khi đó đã lập tiêu chí chọn các giống cây trồng trên phố. Và tiêu chí là thân phải thẳng để trẻ con khó trèo leo, cây có rễ cọc để tránh bị gió bão quật đổ và không xuyên vào móng nhà mặt phố. Có tán, không tiết ra nhựa độc hại, hoa không có mùi khó chịu. Lá cây phải rụng rải rác quanh năm để việc vệ sinh đường phố thuận tiện. Và cây sấu đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí này.
Thậm chí, sấu còn có ưu điểm vượt trội là lớn đến đâu xòe tán đến đó. Về thẩm mỹ, từ xa trông cây sấu có hình nấm vô cùng duyên dáng, lá hình mắt nai rất đẹp. Điểm yếu duy nhất của cây sấu là có quả, nhưng vì ưu điểm nhiều hơn nên chính quyền quyết định chọn cây này. Và sấu là cây duy nhất trồng trên phố có quả ăn được. Sấu cũng là cây duy nhất không phải trồng thử nghiệm ở Vườn thực vật (nay là Vườn Bách thảo).
Nếu mua cây giống ở Phù Ninh thì việc trồng sẽ nhanh hơn, tuy nhiên, vận chuyển về Hà Nội khá xa và phải qua sông Hồng làm tăng chi phí, vì thế, chính quyền thành phố quyết định mua cây giống ở Bất Bạt và huyện Mỹ Lương. Những phố đầu tiên trồng sấu là các phố phía đông hồ Gươm mà ngày nay là các phố Lê Phụng Hiểu, Lê Thánh Tôn, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền...
Sau khi khu phố phía nam hồ Gươm xây dựng vào đầu thế kỷ XX mà nay là phố Hai Bà Trưng, đoạn đầu Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, người ta cũng trồng sấu. Và thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, các phố ở phía tây gồm Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Trần Phú... mọc lên cũng được trồng sấu. Theo số liệu của Công ty Công viên cây xanh, thời bao cấp, sấu chiếm khoảng 1/3 tổng số cây xanh của 4 quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Cây sấu gắn với tuổi thơ của nhiều lớp người Hà Nội. Đầu tháng 5, hoa sấu nở thoang thoảng mùi thơm chua nhẹ cũng là lúc các bé gái nhặt hoa rụng trên hè, xâu vào sợi chỉ làm dây chuyền đeo trên cổ giả vờ làm cô dâu. Hoa sấu nở cũng là mùa ve sầu và lũ con trai quần đùi áo may ô, tối tối mò mẫm gốc cây bắt những chú ve đực gào cháy cổ mà không đòi uống nước. Khi sấu thành quả còn xanh hay đã chín vàng, lũ trẻ chọn buổi trưa vắng công kênh nhau trèo hái rồi túm tụm ở góc phố chia nhau ngấu nghiến. Thời bao cấp, trèo sấu, nhảy tầu điện bị coi là hư hỏng, là bỏ đi và nhiều đứa bị ăn đòn nát đít. Còn ngày hôm nay, cứ khi lá sấu rụng vàng vỉa hè là chị em trang điểm, xúng xính xiêm y ra phố Phan Đình Phùng chụp ảnh đưa lên Facebook.
Hơn một thế kỷ trôi qua nhưng những cây sấu đầu tiên vẫn xanh tốt, đứng vững qua rất nhiều trận bão lớn nhỏ. Và cũng từng ấy năm, cứ vào tháng 7, đi qua các con phố, người ta dễ dàng bắt gặp những người trèo sấu hái quả mà lo cho họ.
Theo Hà Nội mới