Chủ Nhật, 24/11/2024 06:45:36 GMT+7
Lượt xem: 1380

Tin đăng lúc 04-02-2021

Chuyện về người già chơi mạng xã hội

Khi xã hội phát triển, đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá hơn. Nắm bắt thông tin trên mạng xã hội đã trở thành nhu cầu không chỉ riêng lớp trẻ, mà người già cũng bước chân vào mạng xã hội như một món ăn tinh thần, thậm chí còn sâu hơn do người già có nhiều thời gian rảnh rỗi.
Chuyện về người già chơi mạng xã hội

Thấy cảnh bố mẹ bạn mình về hưu dùng điện thoại thông minh, hàng ngày cập nhật kiến thức, anh Lê Việt Hòa (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng trích khoản lương của mình mua cho bố chiếc điện thoại Samsung có nhiều chức năng. Khỏi nói niềm vui tưng bừng của bố vì từ trước tới nay, ông chỉ dùng loại điện thoại bấm số, không vào được internet, cũng chẳng kết nối được với ai. Có điện thoại thông minh, ngày đêm ông mày mò vào các trang facebook, bấm kết bạn, từ những người trong cơ quan cũ, đến mấy ông bạn cựu chiến binh, rồi cả những người học thời cấp 1 với ông thuở còn ở quê. Cứ nhớ đến ai là ông tìm và kết bạn với người ấy. Say điện thoại đến nỗi, vợ ông nhờ trông niêu cá kho để dỗ cháu mà ông quên để cháy khét nẹt.

 

Mạng xã hội quả thật cũng khiến người già nghiện. Nhớ hồi khi facebook mới nở rộ thành trào lưu, một bác sắp nghỉ hưu thấy bọn trẻ tấp nập post ảnh lên mạng, ông tỏ ra khó chịu, than thở là trò vớ vẩn và rất ghét đứa nào suốt ngày phây ba với chả phây búc. Đến khi đám thanh niên trong một lần ngồi vui, hùa vào, bảo ông không biết facebook là lạc hậu. Tức mình, ông cũng mua ngay chiếc smartphone hơn 4 triệu đồng rồi ông nhờ mấy cháu hướng dẫn vào face, kết bạn, chia sẻ. Chả hiểu cố ý hay vô tình mà ông vào cả những trang có hình ảnh mấy cô gái sexy, rồi chia sẻ loạn xạ. Đến khi mọi người nhắn tin nhắc thì ông lại chẳng biết xóa ở đâu nữa.     

 

Điện thoại thông minh nhiều tiện lợi, nhưng không sành thì lắm khi cũng rắc rối. Có trường hợp, người em thứ ba trong sáu người anh em nhắn tin bằng facebook thông báo cho các bác, các em từ quê lên thành phố ăn mừng nhà mới. Chả hiểu bấm nháy thế nào mà danh sách chỉ có các em trai, em gái, còn hai anh chị lớn không nhận được. Đến sát ngày vui, bác cả, bác hai mới bắn tin là chú có con làm to, quyền cao, chức trọng, nhà cao cửa rộng, khinh anh chị nghèo, giờ cần gì nhớ đến anh chị quê mùa này nữa. Vậy là ngày vui lên nhà mới của chú em cũng kém phần vui vẻ.

 

 

Lại còn có trường hợp, một cụ ông tuổi tác cũng vào loại thất thập, dùng điện thoại không chỉ xem tin tức thôi đâu, mà còn tí toáy thử hết chức năng xem livestream nó thế nào. Vậy là buổi tối, cụ đưa cả hình ảnh cụ đang quần đùi, áo lót nằm trên giường lên mạng, rồi cười khùng khục, cứ như là chuyện của riêng mình...

 

Lại nữa, một bác nông dân ở Hoài Đức trích một phần tiền từ bán đàn lợn nái để mua chiếc điện thoại nhiều chức năng. Được các con hướng dẫn vào face, cách chia sẻ thông tin, thế nhưng tuổi già nói trước quên sau, có phải đâu được như lớp trẻ, bác thấy trang mạng thông tin gì là chia sẻ ngay. Từ việc cả thành phố chạy sô đi vét hàng đợt Covid, đến phong tỏa quận này, phố kia, rồi cả những trang thông tin sai sự thật về ông này, vị nọ sắp bị kỷ luật, mất chức trước kỳ đại hội Đảng, tạo dư luận xấu nên đã bị chính quyền địa phương gặp gỡ, nhắc nhở. Khi con cháu góp ý thì ông bảo, đọc thấy mạng đăng, tưởng báo chí công khai rồi nên cứ chia sẻ thôi, có biết đâu tin đó là bịa đặt.

 

Các bà già vào mạng xã hội giờ cũng không hiếm. Có bà thấy quảng cáo trên mạng đủ thứ, mà tuyền những mặt hàng bắt mắt, chất lượng, lại rẻ nữa. Thấy mạng rao bán loại thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa tiền đình, đau vai gáy, chỉ dùng hai tuần là bệnh tình thuyên giảm một nửa. Bà vội đăng ký mua giá hơn 6 triệu đồng một lọ, hý hửng uống chưa được ba ngày thì bà thấy bụng đau âm ỉ, người nóng ran và sang ngày thứ tư thì nổi ban khắp người. Con cháu hỏi, bà bảo tự nhiên nó vậy, chỉ đến khi các con đưa bà đến bệnh viện cấp cứu thì bà mới khai thật với bác sĩ là có dùng thực phẩm chức năng mua của người ta bán trên mạng.

 

Bà Bẩy ở Quảng Nam nghiện đá phong thủy. Bà thường xuyên khoe ảnh đá lên trang facebook của mình, cùng với các comment trao đổi giữa bạn bè với nhau. Biết sở thích này, đối tượng nhắn tin làm quen với bà Bẩy, giới thiệu là thầy phong thủy. Biết “con mồi” cắn câu, "Thầy" gửi hình ảnh các loại đá phong thủy vô cùng hấp dẫn, đủ chủng loại, màu sắc khiến bà Bẩy mê mẩn và tin sái cổ thầy phong thủy. Không lâu sau, thông qua faceboook, "Thầy" hỏi thăm rồi “phóng khoáng” gửi tặng bà Bẩy tấm ảnh viên đá phong thủy đúng với sở thích của bà với lời nhắn: Viên đá này chỉ dành tặng cho bà, không có tiền bạc nào có thể mua được.

 

 

Rồi bà Bẩy nhận được món hàng của "Thầy" với sự hàm ơn không sao tả xiết, nhưng niềm vui chưa trọn vì bà được nhân viên síp hàng "xin" 1,2 triệu tiền phí vận chuyển. Bà Bẩy lúc này vẫn u mê, nghĩ được tặng cả cục đá vô giá như thế mà có 1,2 triệu tiền công thì nhằm nhò gì. Bà hào phóng rút ra 1,5 triệu cho luôn anh giao hàng. Mở hộp quà ra, bà Bẩy giật mình khi phát hiện thấy cục đá xám ngắt, không hề mượt mà lung linh, lóng lánh có vầng hào quang như tấm ảnh "Thầy" phong thủy gửi cho. Bà Bẩy điên tiết nhắn tin, gọi điện cho "Thầy" phong thủy nhưng lần này nick chat và điện thoại của "Thầy" đã không liên lạc được...      

  

Chuyện người già dùng mạng xã hội còn nhiều thú vị, nhưng trong dịp đầu Xuân mới và thời lượng có hạn, chỉ xin ghi lại vài mẩu để góp thêm một tiếng cười vui cùng bạn đọc.

 

Nhã Khanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang