Vẫn còn “nút thắt”
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa 7 năm 1993, mô hình Đại học vùng được thành lập với 3 mục tiêu chính là giảm đầu mối quản lý và biên chế, dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tập trung xây dựng đại học thành đại học mạnh, nhưng thực tế trong 24 năm qua mục tiêu này không đạt được. “Nguyên nhân là do đại học bao gồm các trường đại học thành viên và được tổ chức 2 cấp, tức là Đại học có bộ máy quản lý riêng của đại học và các trường thành viên lại có bộ máy quản lý riêng của mình đã dẫn đến bộ máy chồng chéo”- đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra.
Tương tự, nếu ở cấp trên có Ban chức năng nào thì ở dưới các trường thành viên cũng có phòng tương ứng, chính điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực và cũng là nguyên nhân bất cập của mô hình và là sự cản trở phát triển của đại học. Việc quy định trong đại học có các trường đại học là đại học khác làm cho cả bộ máy chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong điều hành. Đại học trở thành cấp trung gian và phải hoàn thiện mô hình Đại học quốc gia, đại học vùng.
Tham gia thảo luận, đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng chất lượng đào tạo phụ thuộc lớn vào các nguồn lực, song cơ sở vật chất giáo dục đại học của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh với các nước phát triển, chưa đảm bảo đào tạo ra nguồn lực chất lượng cao, phục vụ cho phát triển đất nước.
Trong khi đó, Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Vũng Tàu) lại đề cập sâu đến vấn đề tự chủ của các trường đại học khi cho rằng, việc tự chủ trước đây đã thí điểm nhưng thực tiễn vẫn còn khoảng cách. Dù trao cho trường được tự chủ nhưng lại khống chế việc tăng học phí cũng là một quy định "bó" cho các trường trong việc tự chủ. "Tự chủ không nghĩa là buông để nhà trường tự bơi mà tự chủ này là Nhà nước cũng có đầu tư và giống như bầu sữa đầu tiên, sau đó tùy theo thể trạng từng đứa con mà rút ra dần dần"- đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị.
Tự chủ đại học là xu thế tất yếu không thể cưỡng lại
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật giáo dục Đại học, đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) cũng tán thành việc phải trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo ông, qua nhiều phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và thông qua các hội thảo khoa học, dự thảo luật lần này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh và hoàn thiện khá tốt.
Đặc biệt là các quy định về hội đồng trường, cơ chế tự chủ đại học, hoặc các vấn đề liên quan mô hình trường, vấn đề sử dụng tài sản của nhà trường… các nội dung này đã được Ban soạn thảo điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội.
Đại biểu Hồ Thanh Bình cũng khẳng định, chính sách về tự chủ đại học đã được xem xét cẩn thẩn, kỹ lưỡng trong dự thảo luật lần này. Trong đó, có các quy định về tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự… đã được quy định khá chi tiết, rõ ràng và tường minh.
“Tự chủ là xu hướng tất yếu và không thể cưỡng lại được nữa. Đây cũng là xu hướng mà quốc tế đã và đang thực hiện. Nhà nước cần quan tâm tổng thể trên tinh thần là, tạo ra động lực để phát triển và dần dần tạo ra năng lực để các trường tự chủ. Về mặt nguyên lý, để phát triển thì cần tạo ra sự cạnh tranh. Mặc dù có những khó khăn nhưng đó chính là xu hướng để tạo ra năng lượng thực sự cho các trường trong quá trình phát triển”- đại biểu Hồ Thanh Bình đề xuất.
Cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) cho biết, đã đến lúc cần phải thực hiện cơ chế tự chủ sâu rộng tại các cơ sở giáo dục đại học. Mở rộng thể chế quản lý hành chính và quản lý về mặt kinh tế, để các trường tự quyết định chiến lược phát triển của mình, từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên. Lấy sinh viên là trung tâm để xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường.
Cụ thể, bộ máy lãnh đạo nhà trường phải đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động nhưng không được chệch hướng và trái với quy định của Nhà nước. Hơn nữa, khi quyền tự chủ được phát huy, từng cá nhân, từng tập thể của nhà trường sẽ phải vận động, đổi mới sáng tạo để đào tào cho xã hội một lực lượng lao động đáp ứng ngay yêu cầu của sản xuất, yêu cầu của công việc, đó mới là điều quan trọng.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đề nghị, không nên tồn tại cơ chế “bao cấp” như hiện nay mà thay vào đó sẽ chuyển sang cơ chế đầu thầu “đặt hàng”. Tức là để có được nguồn kinh phí của Nhà nước thì các trường phải cạnh tranh thực sự.
"Như vậy, có thể nói cơ chế tự chủ sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho các trường đại học. Đồng thời tạo ra điểm mới có tính đột phá trong tư duy, sáng tạo và hành động của ban lãnh đạo. Nếu ban lãnh đạo nhà trường có chiến lược tốt sẽ giúp nhà trường phát triển và sẽ thu hút đông đảo sinh viên giỏi vào trường. Sau khi ra trường, các em có việc làm ngay, được thị trường tiếp nhận và không phải đào tạo lại", đại biểu Vũ Trọng Kim chia sẻ thêm.
Nguồn Báo Công Thương