Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM), Dubai - UAE được xác định là thị trường trọng tâm thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi.
Mặc dù có tiềm năng rất lớn, song hiện tại, đối tác này chỉ đứng thứ 43 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh, đạt giá trị đầu tư chỉ trên 300 triệu USD.
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, gần đây, thành phố đã hai lần đưa đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Dubai – UAE.
Nhìn nhận về thị trường Việt Nam, ông Ashraf A.Mahate - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports - cho biết, năm 2017, có một doanh nghiệp thu mua đến 20% sản lượng tiêu Việt Nam để bán tại các chợ trung tâm của Dubai. Điều đó cho thấy nhu cầu thu hút các công ty Việt Nam đến Dubai đầu tư là rất lớn.
Theo đại diện của Dubai – UAE, trước mắt, lĩnh vực mà đối tác này ưu tiên khi đầu tư vào Việt Nam là bất động sản, hạ tầng logistics, công nghiệp dầu khí, hệ thống cảng phục vụ…
Trong bối cảnh đó, “mong muốn của chính quyền TP. Hồ Chí Minh là tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư với phía Dubai – UAE, cụ thể là việc nâng cao giá trị đầu tư của đối tác này tại thành phố”- bà Vân khẳng định.
Dubai là thị trường chuyên xuất khẩu trang sức, ngọc trai, đá quý, kim loại (chiếm 51,5%), tỷ lệ này cũng dẫn đầu ở khâu tái xuất (34,4%). Đây là cơ hội đáng tham khảo cho các nhà đầu tư Việt Nam.
Theo ông Ashraf A.Mahate, Dubai có hệ thống thuế quan thấp nhất thế giới và miễn hoàn toàn thế thu nhập doanh nghiệp. Từ Dubai, có thể kết nối với thị trường trên 3 tỷ dân chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ, đảm bảo việc giao hàng trong ngày.
Người đại diện của phía Dubai cho rằng thị trường Hồi giáo có quy mô lớn, ước đạt giá trị 2.000 - 3.000 tỷ USD. Nói về tiêu chuẩn Halal có đến 7 phân khúc thị trường và mỗi phân khúc đều có một tiềm năng riêng, ước đạt từ 1,3 - 1,8 tỷ USD. Riêng du lịch Halal có quy mô giá trị 4 tỷ USD tính trên toàn cầu.
Theo ông Trần Ngọc Liêm - Phó giám đốc VCCI-HCM, giá trị thương mại giữa UAE và Việt Nam năm 2017 đạt 5,6 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh một số mặt hàng nông sản tăng trưởng thì sản phẩm tiêu có tăng về sản lượng nhưng đơn giá rất thấp. 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam vào UAE tăng trưởng thấp (chưa đến 1%) và nhập khẩu suy giảm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác làm ăn với đối tác Dubai và tham dự diễn đàn cũng bày tỏ ý kiến về việc gặp khó khăn ở khâu logistics, chi phí kho bãi đắt đỏ, giá thuê nhân công cao dẫn đến giá thành đội lên cao.
Chia sẻ về những vấn đề này, ông Ashraf A.Mahate gợi ý, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tài chính trong ngày, có thể được hỗ trợ cho thuê địa điểm miễn phí từ 6 tháng đến 1 năm, được ưu tiên hạ tầng cho ngành chế biến trà.
Về phía Bộ Công Thương, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi –đánh giá, UAE rất chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp UAE vào Việt Nam từ năm 2016 nhưng trên thực tế chỉ quan sát và nghiên cứu chứ chưa quyết định đổ tiền đầu tư.
Theo Báo Công Thương điện tử