Thứ Sáu, 22/11/2024 19:37:49 GMT+7
Lượt xem: 3924

Tin đăng lúc 12-03-2018

Cơ hội mở cho nông sản Việt vào Australia

Năm 2019, thị trường Australia dự kiến mở cửa cho trái nhãn tươi của Việt Nam, kéo dài thêm danh sách các loại nông sản Việt được quốc gia này cấp phép nhập khẩu sau vải, xoài và thanh long.
Cơ hội mở cho nông sản Việt vào Australia
Trái vải Việt Nam được bán tại siêu thị Australia.

Dù việc xuất khẩu (XK) nông sản vào Australia không được kỳ vọng sẽ mang lại kim ngạch quá cao nhưng với việc chinh phục được thị trường có yêu cầu vào loại cao nhất thế giới, nông sản Việt nghiễm nhiên có một tấm “giấy thông hành” vào nhiều thị trường khác.

 

“Giấy thông hành” cho nông sản Việt

 

Liên tục trong ba năm gần đây, hàng loạt các loại trái cây tươi của Việt Nam đã được thị trường Australia mở cửa như vải, xoài, thanh long. Bên cạnh đó, Australia cũng nhập khẩu (NK) tương đối nhiều các loại nông sản khác của nước ta như gạo, thủy sản… Nhận định về cơ hội của nông sản Việt tại thị trường Australia, bà Nguyễn Hoàng Thúy - Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ta phải mất tới 12 năm đàm phán để mở cửa được trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam sang Australia là trái vải (được Australia cấp phép NK năm 2015). Mặc dù lượng XK hoa quả tươi của chúng ta sang Australia không nhiều nhưng mở cửa được các mặt hàng này lại mang một ý nghĩa hết sức to lớn.

 

Lý do bởi thứ nhất, Australia là một trong những nước có quy định ngặt nghèo nhất thế giới về an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc Australia mở cửa cho hàng nông sản của chúng ta sẽ khẳng định chất lượng hàng Việt Nam, giúp việc đàm phán mở cửa các mặt hàng tương tự ở các nước khác thuận lợi hơn.

 

Thứ hai, nếu muốn XK sang thị trường Australia cũng như các thị trường khó tính khác, bà con nông dân và các doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải thay đổi cách làm, sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn, dần dần sẽ tạo ra thương hiệu cho hàng nông sản của Việt Nam.

 

Ngoài ra, việc mở rộng thị trường XK sẽ giúp đa dạng hóa thị trường cho hàng nông sản của Việt Nam, giúp nông dân tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Thí dụ, năm 2015, việc mở được nhiều thị trường XK mới, đồng thời với việc đưa trái vải Nam tiến đã giúp giá vải bình quân tăng 3.000 đồng/kg. Với sản lượng khoảng gần 200 nghìn tấn/năm, giá trị thu được từ trái vải không hề nhỏ.

 

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Hoàng Thúy cũng thông tin, hiện nay, Tập đoàn SunRice - tập đoàn kinh doanh gạo lớn nhất nước Australia đang thu mua khoảng 50% tổng sản lượng gạo Japonica XK của Việt Nam. Tập đoàn này cũng đang có ý định đầu tư sản xuất gạo tại Việt Nam. Đây là tin vui đối với ngành gạo Việt Nam trong bối cảnh XK còn nhiều khó khăn.

 

“SunRice là DN thực phẩm toàn cầu và dẫn đầu về thương hiệu thực phẩm XK tại Australia. Thời gian tới, SunRice dự kiến đầu tư từ 100-200 triệu USD vào vùng nguyên liệu cũng như nghiên cứu và phát triển các giống gạo, cải tiến công nghệ, đầu tư vào xay xát, chế biến và sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng có nguồn gốc từ gạo. Việc đầu tư của SunRice sẽ giúp cho chúng ta tiếp cận được với cách làm nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, gạo xuất xứ từ Việt Nam, mang thương hiệu SunRice sẽ được tiêu thụ ở phân khúc gạo và các sản phẩm từ gạo cao cấp ở các thị trường của SunRice trên thế giới, không chỉ tại Australia”, bà Thúy nhấn mạnh.

 

Tận dụng cơ hội

 

Bà Nguyễn Hoàng Thúy cũng cho biết, Australia là một thị trường có tiềm năng. Dân số tuy nhỏ, chỉ có 24 triệu dân nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt hơn 600 tỷ USD. Quy mô thương mại giữa Việt Nam và Australia trong 10 năm gần đây tăng gấp đôi từ khoảng ba tỷ lên hơn sáu tỷ USD. 10 năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân gần 10%/năm, trong đó năm 2017 tăng 22,1%. Tuy quy mô thương mại gia tăng như vậy nhưng kim ngạch XNK vẫn chiếm tỷ trọng quá nhỏ so với tổng kim ngạch XK hàng hoá của Việt Nam và tổng kim ngạch NK của Australia.

 

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chính sách thương mại và thuế của Australia khá minh bạch, nhưng các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm... khá chặt chẽ. Nhiều DN Việt Nam chưa nắm được, hoặc chưa cập nhật các quy định nhập khẩu hàng hóa và quy định về kiểm dịch đối với hàng NK của Australia. Chỉ riêng trong năm 2017 đã có 39 trường hợp hàng Việt Nam vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia.

 

Bên cạnh đó, mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN - Australia – New Zealand (AANZFTA) đã có hiệu lực từ năm 2010 nhưng DN Việt Nam vẫn còn khá lúng túng trong việc tìm hiểu, vận dụng nội dung Hiệp định, các cam kết, ưu đãi mà hàng Việt Nam được hưởng. Ngoài ra, thương hiệu cho hàng XK của Việt Nam vẫn chưa được các DN quan tâm, đầu tư và phát triển. Thực tế cho thấy, hầu hết những mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được XK vẫn chỉ ở dạng xuất thô. XK nguyên liệu, sản phẩm đã qua chế biến thì phần lớn lại mang tên của đối tác nước ngoài mà nguyên nhân là việc xây dựng thương hiệu cho hàng Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, người tiêu dùng Australia chỉ biết một số ít thương hiệu hàng XK Việt Nam.

 

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết ngày 8-3-2018 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN hai bên do Việt Nam và Australia đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm 11 nước nên sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất trong chuỗi giá trị này, từ đó thúc đẩy thương mại song phương. Bên cạnh đó, các quy định về minh bạch hóa, thuận lợi hóa thương mại (như tự chứng nhận xuất xứ), hải quan cũng sẽ tạo thuận lợi, giúp thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Australia. Ngoài ra, các quy định chặt chẽ về đầu tư cũng sẽ giúp thu hút, tăng đầu tư từ Australia vào Việt Nam, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên.

 

Tận dụng tối đa cơ hội này, bà Thúy cho rằng, thứ nhất, DN Việt Nam cần tích cực, chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin về thị trường Australia và những ưu đãi mà hàng XK Việt Nam được hưởng trong Hiệp định AANZFTA.

 

Thứ hai, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng XK nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Australia. “Nếu muốn trụ vững trên thị trường Australia, các DN Việt Nam phải hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp”, bà Thúy nhấn mạnh.

 

Thứ ba, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. DN cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường Australia phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế của thị trường và khả năng của DN. Không nên thâm nhập thị trường một cách vội vàng mà cần có quá trình lâu dài, từ giới thiệu sản phẩm, tạo lòng tin, thiết lập quan hệ rồi mới thực hiện giao dịch kinh doanh.

 

Thứ tư, chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng. Giải pháp ưu việt nhất là cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền mà người Australia thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt.

 

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang