Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022 sản lượng và kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu viên nén gỗ đã đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt khoảng 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc xung đột Nga-Ukraine làm mất nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nhu cầu về lượng và mức giá trên một đơn vị sản phẩm đều tăng, là động lực kích thích mở rộng sản xuất trong nước.
Theo con số thống kê không chính thức, hiện Việt Nam có khoảng hơn 300 cơ sở sản xuất viên nén gỗ, với khoảng 70-80% tập trung tại khu vực phía nam và khu vực duyên hải. Thực tế hiện nay, nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước là một trong những nguồn cung nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho viên nén. Nguồn này bao gồm gỗ nhỏ, chủ yếu là cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn, bìa bắp. Đây là những sản phẩm phụ từ các xưởng xẻ, ván bóc, xưởng dăm. Nguồn phế phụ phẩm này có nhiều ở khu vực phía bắc, nơi có nhiều hệ thống xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm. Theo thông tin chia sẻ của một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, nguyên liệu cho viên nén từ nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước hiện chiếm hơn 90% tổng lượng cung nguyên liệu cho viên nén. Nguồn dăm bào, mùn cưa, gỗ vụn từ gỗ nhập khẩu cũng là một nguồn cung đầu vào quan trọng nhất cho viên nén. Hiện nguồn cung này chiếm dưới 10% tổng lượng cung gỗ nguyên liệu cho cả ngành viên nén.
Viên nén gỗ hiện đang có nhiều tiềm năng phát triển do nguồn nguyên liệu đầu vào đa dạng, phong phú; nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng mạnh. Dù vậy, xu hướng tiêu thụ viên nén tại các thị trường lớn trên thế giới cho thấy trong tương lai các thị trường này sẽ đòi hỏi nguồn viên nén sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ bền vững. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường và chuẩn bị đáp ứng các đòi hỏi này. Hiện Chính phủ đang khuyến khích mở rộng diện tích rừng trồng và diện tích đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp có sử dụng gỗ rừng trồng làm nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào, bao gồm các doanh nghiệp viên nén, trong việc hình thành liên doanh liên kết tạo nguồn gỗ nguyên liệu ổn định và bền vững.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), tình hình sản xuất viên nén gỗ trong nước hiện không được thuận lợi như mong muốn. Mặc dù nguyên liệu đầu vào để sản xuất rất đa dạng, nhưng ngành viên nén gỗ đang phải cạnh tranh về nguyên liệu với các bộ phận khác của ngành gỗ, đặc biệt là nguyên liệu cho dăm. Giá dăm xuất khẩu tăng cao kéo theo giá nguyên liệu gỗ đầu vào tăng. Các công ty sản xuất viên nén có các hợp đồng dài hạn được ký với các nhà nhập khẩu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu Nhật Bản với các mức giá sản phẩm đầu ra không thể điều chỉnh, đang phải chịu sức ép về tăng giá nguyên liệu.
Chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho rằng, nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hiện tại của ngành viên nén gỗ chủ yếu là các phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ. Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp, chi phí sản xuất viên nén cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với chi phí sản xuất dăm, tuy nhiên giá viên nén xuất khẩu lại thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với giá dăm xuất khẩu. Dăm hút nguyên liệu, đẩy giá nguyên liệu lên rất cao trong thời gian vừa qua. Nhiều doanh nghiệp viên nén, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trước không có khả năng thay đổi giá xuất khẩu càng khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp sản xuất dăm. Điều này dẫn tới một số doanh nghiệp viên nén phải hạn chế sản xuất. Trong bối cảnh thiếu nguyên liệu đầu vào, một số doanh nghiệp sản xuất viên nén phải sử dụng nguyên liệu "tạp" hơn và mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu đầu vào ở các địa bàn xa hơn. Thí dụ, một số doanh nghiệp tại Quảng Nam phải mua nguyên liệu từ các khu vực Tây Nguyên, cách nhà máy sản xuất gần 200 km. Mặt khác, một số nhà máy thu hẹp quy mô sản xuất đã đẩy mạnh việc thu mua sản phẩm ở các vùng xa, ít cạnh tranh về nguồn nguyên liệu với các cơ sở chế biến dăm. Mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu là giải pháp ngắn hạn của doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động sản xuất, đáp ứng các đơn hàng đã ký từ trước. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn một số rủi ro trong việc kiểm soát chuỗi cung, bao gồm cả việc kiểm soát rủi ro của nguồn nguyên liệu đầu vào có liên quan các hoạt động gây tổn hại tới rừng tự nhiên.
Thời gian qua, Chính phủ đã cân nhắc khả năng áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng viên nén gỗ, là 5 hoặc 10%. Tuy nhiên, đề xuất áp dụng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này đã nhận được nhiều ý kiến không đồng thuận từ nhiều cơ quan, ban, ngành, dựa trên thực tế: Nguồn nguyên liệu đầu vào cho viên nén chủ yếu là từ nguồn phế phụ phẩm của ngành chế biến gỗ. Hiện Chính phủ đang xem xét đề xuất, ý kiến của các bên và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập cho rằng, nguyên liệu sản xuất viên nén gỗ không hề cạnh tranh với nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ bởi nguồn nguyên liệu sử dụng để sản xuất viên nén hiện nay chủ yếu là nguồn phế phụ phẩm của ngành gỗ. Áp dụng thuế tại thời điểm hiện tại sẽ nâng cao giá thành sản xuất, không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm các hộ trồng rừng và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Chính phủ có thể áp dụng thuế xuất khẩu trong tương lai nếu Chính phủ có kế hoạch chuyển đổi nguồn năng lượng điện than trong nước sang nguồn năng lượng sinh học sử dụng viên nén. Tuy nhiên nếu thuế được áp dụng, cũng cần đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm giá viên nén gỗ tiêu thụ trong nước có thể cạnh tranh được với giá xuất khẩu.
Theo báo Nhân dân