Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7 triệu tấn với trị giá khoảng 3,5 tỷ USD. Về giá, theo ước tính, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 493 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng 10/2022. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân gạo đạt 485 USD/tấn. Về thị trường, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước); thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch), thì gạo Việt Nam cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường nhiều tiềm năng khác như xuất khẩu sang khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Liên minh châu Âu (EU). Đây là nỗ lực lớn trong xuất khẩu gạo vì năm 2022 có nhiều biến động trên thị trường xuất khẩu; đồng thời giá vật tư đầu vào không ngừng tăng cao khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, những tháng đầu năm 2022 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có chiều hướng sụt giảm, chỉ bắt đầu tăng từ quý III/2022. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết: Năm 2022, Trung An tập trung xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo đặc sản sang các thị trường chất lượng cao. Nhất là tại thị trường châu Âu, năm 2022, giá gạo xuất khẩu bình quân của Trung An đạt khoảng 650 USD/tấn, riêng gạo ST24, ST25 có giá hơn 1.000 USD/tấn. Hiện tại, công ty đang tập trung giao hết các đơn hàng của năm 2022 để chuẩn bị cho các đơn hàng mới ký của quý I/2023.
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam, nhu cầu về gạo trên thế giới hiện đang rất lớn và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân một phần là do hạn hán ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của nhiều quốc gia khiến họ phải nhập khẩu gạo để dự trữ. Trong khi đó, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, vẫn duy trì được năng suất và sản lượng lúa ổn định, tạo ra nguồn gạo dồi dào phục vụ xuất khẩu. Giá gạo trong quý I/2023 cũng được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng nhờ vào nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao từ một số quốc gia.
Ngoài các thị trường truyền thống trọng điểm của năm 2022 như Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà..., thì gạo Việt Nam còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, nhất là khi tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa cho biết: Mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 43 triệu đến 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 triệu đến 23 triệu tấn gạo. Trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu gạo. Thời gian tới, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cần đặc biệt quan tâm đến thị trường Trung Quốc, nhất là trong điều kiện Trung Quốc đã có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu, từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,... Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Việt Nam cũng đang kiến nghị Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp. Ngoài Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn cho nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu gạo ■
Theo Nhandan.vn