Thành tựu và cơ hội mới
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, so với đầu nhiệm kỳ, quy mô nền kinh tế đã tăng gấp 1,3 lần (dự kiến cuối năm 2018 đạt 5,5 triệu đồng), GDP bình quân đầu người đã tăng thêm 440 USD (10,3 triệu đồng). Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả khả quan về kinh tế, nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%. Trên cơ sở này, ước cả năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt. Động lực tăng trưởng ngày càng được lan tỏa từ: Cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm nhẹ gánh nặng chi phí tài chính; giảm nợ xấu, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng, nhất là lãi suất; tăng sức mua thị trường và giảm chi phí nguyên nhiên liệu, kinh doanh đầu vào và các chi phí thể chế khác cho doanh nghiệp; làm tốt công tác bình ổn và lưu thông hàng hóa; ổn định thị trường ngoại hối; mở rộng, tự do hóa và quản lý cạnh tranh lành mạnh...
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 50% GDP mỗi năm, 90% số việc làm và 40% tổng đầu tư toàn xã hội. Hệ thống các doanh nghiệp nhà nước được đổi mới, sắp xếp lại; hình thành các tổng công ty và một số tập đoàn kinh tế ở những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế; đồng thời thu hẹp những lĩnh vực độc quyền nhà nước (hiện, còn khoảng hơn 900 doanh nghiệp, tổ chức dưới dạng công ty TNHH một thành viên sở hữu 100% vốn Nhà nước).
Kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển cả bề rộng và bề sâu. Ngoài WTO, Việt Nam đã ký 16 FTA, trong đó có 10 FTA đã ký có hiệu lực; Việt Nam đã là một phần của khu vực mậu dịch tự do ASEAN; sau đó đã ký trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế... Việt Nam ghi nhận làn sóng mới về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 8 tháng đầu năm 2018 đã có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 878.627 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.558.228 tỷ đồng, tăng 32,5% so cùng kỳ năm 2017; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 20.942 doanh nghiệp, tăng 9,3%; 9 tháng đầu năm 2018, cả nước có 26 mặt hàng xuất khẩu nằm trong TOP “xuất khẩu tỷ USD”, trong đó có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018. Theo đó, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018.
Khu vực dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm trước nhưng cao hơn so với các năm 2012-2016.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5,54 triệu tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,6% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,3%; khu vực dịch vụ chiếm 41,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98% (cơ cấu tương ứng của năm 2017 là: 15,34%; 33,40%; 41,26%; 10,0%).
Hàng hóa Việt Nam tập kết tại cảng Hải Phòng
Những kết quả có được trong năm 2018 sẽ tạo đà tích cực cho năm 2019, theo đó kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng với mục tiêu đặt ra: GDP tăng từ 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP... Cùng với khởi sắc vĩ mô chung, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ. Ngoài ra, cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa và tự do hóa đầu tư, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, các doanh nghiệp sự nghiệp công và các hình thức đầu tư công-tư, BOT khác...
Nhiều thách thức cần vượt qua
Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững vì vẫn phải dựa vào vốn, phụ thuộc vào tăng trưởng từ nguồn lao động giá rẻ, tăng trưởng nhờ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tái cấu trúc nền kinh tế mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, chưa đi vào chiều sâu, nhất là về tăng năng suất lao động; Số lượng doanh nghiệp còn mỏng và ít so với yêu cầu; Nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ; Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc còn cao (chiếm hơn 50% hộ nghèo cả nước), tái nghèo lớn (12%); An toàn thực phẩm, an toàn xã hội, công tác vệ sinh môi trường còn nhiều mặt bức xúc; Thách thức lớn nhất là phải khai thác hiệu quả những cơ hội từ hội nhập khi đã tham gia cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do (cạnh tranh, hàng rào kỹ thuật, sở hữu, xuất sứ nội khối, phát triển hạ tầng và thể chế; bảo vệ môi trường và an sinh xã hội...), đặc biệt là trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ đối diện với sự gia tăng áp lực cạnh tranh và mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, cùng với rủi ro chi phí cao hơn về năng lực tài chính, cơ chế quản trị nội bộ; Quy tắc xuất xứ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ cũng sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đồng thời khiến gia tăng các chi phí, giảm cơ hội cải thiện thu nhập và cải thiện quy trình sản xuất vốn lạc hậu của nhiều ngành sản xuất trong nước; Các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và lao động sẽ tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp; ngành chăn nuôi nhất là lợn, gà, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng) trong nước sẽ tiếp tục đối diện với áp lực cạnh tranh giảm giá từ sản phẩm ngoại nhập và sự gia tăng các chi phí đầu vào, vì thế cần nâng cao các hàng rào kỹ thuật và những hỗ trợ cần thiết phù hợp cam kết hội nhập như: đổi mới công nghệ và mô hình chăn nuôi mới, hiện đại; Các dự án FDI, nhất là dệt may, có thể thu hẹp lợi ích mà doanh nghiệp trong nước có được từ các FTA. Vì vậy, cần quan tâm thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có năng lực tài chính và giải pháp bảo vệ môi trường, quy mô lớn, có tác dụng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành; tăng cường “hậu kiểm” và quản lý các dự án đã được cấp phép; với ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phải có sự điều chỉnh rất lớn, co hẹp về những phân khúc không phải cạnh tranh trực tiếp với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản (những nước có ngành ô tô tiên tiến và hiệu quả).
Nhiều ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các quy trình, yêu cầu và chỉ tiêu hoạt động theo hướng dẫn của ngân hàng nhà nước, chủ động bám sát chuẩn chung quốc tế và lộ trình cam kết hội nhập. Đặc biệt, với mức độ tự do hóa dịch vụ tài chính-ngân hàng ngày càng cao theo nội dung AEC và FTA đang triển khai (có sự tham gia của Việt Nam) thì các ngân hàng thương mại sẽ có thêm cơ hội và cả áp lực mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực và quy mô kinh doanh, gia tăng các hoạt động M&A, tìm kiếm các đối tác mới, phù hợp trong, ngoài nước và khu vực. Bên cạnh đó, năm 2019 và tiếp theo sẽ tiếp tục lộ trình tái cơ cấu các ngân hàng và tổ chức tín dụng nhanh hơn và theo những yêu cầu nghiêm ngặt được áp đặt tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ thế giới, nhất là với quản trị rủi ro ... Điều này buộc các ngân hàng phải chủ động có kịch bản, chiến lược, bước đi cụ thể và xây dựng văn hóa kinh doanh dài hạn, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả hơn.
Nhiều thách thức và triển vọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và tới đây cũng tùy thuộc vào kết quả thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trọng dụng người hiền tài và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, phát huy dân chủ; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và điều tiết dòng tín dụng; giữ vững, củng cố và khai thác dộng lực lòng tin cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và doanh nghiệp.
Anh Thư