Hướng đến mục tiêu phát triển chung
Đây là Diễn đàn quốc tế lớn nhất trong năm 2018 với 2.000 đại biểu, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức. Diễn đàn là dịp để lãnh đạo các nước GMS, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các đối tác phát triển, giới doanh nghiệp và học giả chia sẻ quan điểm về các vấn đề phát triển then chốt của khu vực GMS, cũng như thảo luận về biện pháp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lôc, Chủ tịch VCCI cho biết, chuỗi một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực này đã chứng kiến những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển. Kỳ tích quan trọng nhất chính là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018.
Đóng góp vào sự nghiệp phát triển này có vai trò tiên phong của Hội đồng Kinh doanh GMS (GMS-BC). Đây là một cơ chế kết nối của cộng đồng kinh doanh trong khu vực và là một đối tác đối thoại công tư vì sự phát triển của GMS trong đó vai trò chủ thể thuộc về các phòng thương mại và công nghiệp quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chương trình hợp tác GMS đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực. Đúng như tầm nhìn hợp tác đã đề ra, đó là “thịnh vượng, hội nhập và hài hòa" trên cơ sở trụ cột “3 C” là Kết nối (Connectivity), Cạnh tranh (Competitiveness) và Cộng đồng (Community)”.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS các doanh nghiệp trong khối GMS sẽ cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển và trao đổi những cơ hội kết nối trong tương lai. Và hơn hết, các bên sẽ cùng đẩy mạnh hợp tác, hướng đến một mục tiêu phát triển chung cho toàn khu vực, thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động, Hiệp định đã cam kết, tận dụng tốt nguồn đầu tư 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trên toàn khu vực, đưa nền tảng kinh tế - xã hội của 6 quốc gia GMS lên một tầm cao mới.
Cơ hội và thách thức
Ông Lộc cho rằng, dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng GMS vẫn đang là vùng trũng của sự phát triển trong tương quan so sánh với ASEAN, châu Á và thế giới, xét cả trên bình diện GDP trên đầu người, kết cấu hạ tầng, khả năng công nghệ, tài chính và chất lượng nguồn nhân lực...
Đây là một thị trường của hơn 340 triệu dân có nhiều sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, tập quán. Đây là thị trường hết sức tiềm năng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào; với nguồn tài nguyên thiên nhiên nhiệt đới phong phú, nhiều thế mạnh về các sản phẩm nông sản, với vị trí chiến lược kết nối các khu vực Đông Nam Á - Đông Bắc Á - Nam Á; giữa các thị trường rộng lớn gồm Đông Nam Á hơn 500 triệu dân, Ấn Độ với hơn 1,3 tỷ dân và Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân.
Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, cả cơ hội và thành thức đổi mới GMS đều vô cùng lớn. Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, với công cuộc cải cách và hội nhập đang diễn ra sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tràn tới, chúng ta có lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, và có thể trở thành bếp ăn của thế giới.
Thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ... Theo đó, VCCI đề xuất thành lập mạng lưới doanh nhân nữ GMS và mạng lưới khởi nghiệp GMS. Hy vọng rằng, cùng với những sáng kiến, chương trình, dự án để thúc đẩy kết nối khu vực, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững v.v... thì mạng lưới các cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhân lên sức mạnh của GMS trong những nỗ lực hội nhập và phát triển.
Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Mặt khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự phát triển của những công nghệ mang tính nền tảng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực phải thực sự nhạy bén để tiếp cận, khai thác và đưa vào ứng dụng những thành tựu công nghệ mới. Bên cạnh đó, chúng ta đang đứng trước thách thức lớn không tránh khỏi là những biến động về môi trường, khí hậu, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguồn nhân lực con người, yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng vẫn còn gặp nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục, thể trạng, y tế, là những yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn lực này. Với những thách thức như vậy, phải hết sức quyết tâm và nỗ lực để cùng nhau khắc phục, khai thác những lợi thế phát triển để bù đắp cho những hạn chế còn tồn tại.
Theo đó “chúng tôi đề nghị nghiên cứu triển khai chương trình kết nối hệ thống cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí điện thoại roaming, thành lập hiệp hội hợp tác xử lý các vấn đề về an ninh mạng giữa các quốc gia GMS. Sáng kiến này nếu được thực hiện, sẽ tạo một nền tảng kết nối để có thể đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế GMS” – Ông Lộc nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương điện tử