Kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá tốt
Đánh giá chung về nền kinh tế Việt Nam năm 2024, PGS.TS Vũ Thanh Hương - Phó Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết: “Trong quý I/2024, kinh tế Việt Nam phục hồi khá tốt và điều này đến từ 3 khía cạnh. Thứ nhất, thương mại quốc tế và Việt Nam phục hồi tạo thành lực đẩy để nước ta có thể tiếp tục xuất khẩu. Thứ hai là chính sách phân mảnh đầu tư.
Ngoài ra, đầu tư cũng là một lĩnh vực được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2024 khi những lĩnh vực thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay phù hợp với sự dịch chuyển của thế giới. Đặc biệt, đối với Nghị quyết 50 về thu hút và chọn lọc FDI, việc tái tạo công nghệ xanh, xe điện sẽ là lĩnh vực mà Việt Nam có triển vọng thu hút dòng vốn này”.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia - cho hay, Việt Nam có thể sẽ lạc quan hơn với tăng trưởng ở mức 6 - 6,5% kèm một số điều kiện. Lạm phát tại Việt Nam có thể cao hơn năm ngoái nhờ nền kinh tế phục hồi tốt lên, vòng quay tiền nhanh hơn, giá cả tăng, đặc biệt là việc tăng lương từ ngày 1.7 tới đây.
“Một vài dấu hiệu phục hồi cho nền kinh tế rất rõ gần đây chính là từ thị trường chứng khoán và bất động sản. Bên cạnh đó còn là những động lực mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hội nhập quốc tế... Đặc biệt là yếu tố cơ cấu lại nền kinh tế và thể chế. Trong một thời điểm Nhà nước thông qua 4 đạo luật quan trọng về đất đai, nhà ở, bất động sản, tổ chức tín dụng...” - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Nhanh chóng xanh hóa các chính sách để tăng trưởng kinh tế
Theo bà Vũ Thanh Hương, ngoài rủi ro từ địa chính trị, sự bất ổn của thị trường tài chính quốc tế sẽ ảnh hưởng đến chính sách điều hành lạm phát và tỉ giá, lãi suất của Việt Nam.
“Rào cản đầu tiên chính là sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ khi đều là hai đối tác lớn. Bên cạnh đó, các quốc gia đã đưa ra những biện pháp về thương mại, đầu tư xanh, trách nhiệm sản xuất trong chuỗi cung ứng... Đây đều là những thách thức nếu Việt Nam không thể xanh hóa được các ngành. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần cẩn trọng, kiên trì, linh hoạt và hợp tác quốc tế để mở lối kinh tế trong những quý tiếp theo” - PGS.TS Vũ Thanh Hương cho biết.
TS Cấn Văn Lực cho hay, cần tháo gỡ những khó khăn giải ngân đầu tư về pháp lý, nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp để có thể phục hồi vững chắc nền kinh tế. Đặc biệt, trái phiếu bất động sản đáo hạn đã đi qua vùng khó khăn nhất của năm 2023 nhưng còn tương đối lớn. Đồng thời, thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh...còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, vụ vẫn đang diễn ra.
* Theo TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam năm nay sẽ ít bị ảnh hưởng cơn gió ngược lạm phát, đồng thời Việt Nam hầu như không bị đứt gãy chuỗi cung ứng với nhập khẩu đầu vào, vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn thịt lợn từ thị trường Trung Quốc ngay gần kề, giúp giảm chi phí logistics...
Trong nước, tỉ giá tương đối ổn định nhờ thanh khoản dồi dào; các chính sách trợ giá (xăng dầu, điện...), giảm thuế VAT... Chính phủ cũng có rất nhiều chương trình để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thị trường bất động sản bước đầu phục hồi, tâm lý đầu tư trở nên mạnh dạn hơn.
* Với điều kiện phải đảm bảo 3 tháng nhập khẩu (khoảng 90 tỉ USD), cộng với đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay có tốc độ xuất nhập khẩu ngày càng cao, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital - cho rằng, việc bán ra ngoại hối sẽ ảnh hưởng đến dự trữ. Chưa kể liên quan đến tăng cung vàng miếng, nếu phải nhập khẩu vàng thì sẽ tốn một lượng dự trữ ngoại hối nhất định. Ông cho hay, NHNN có thể điều chỉnh tỉ giá trung tâm lên khoảng 1 - 2% nữa hoặc nới rộng biên độ tỉ giá thì toàn bộ thị trường vẫn được đáp ứng.
Còn trong trường hợp phải bán ngoại tệ thì sẽ rơi vào trường hợp mua bán ngoại tệ kỳ hạn và kỳ hạn phải khá dài, nhằm để các ngân hàng thương mại có thể giảm trạng thái ngoại hối âm. Tuy nhiên, khi đó sẽ cần quan sát chặt chẽ về chênh lệch lãi suất. |
Theo Laodong.vn