Tiến độ cổ phần hóa chậm
Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, trong 9 tháng năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp; trong đó có 1 đơn vị thuộc Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9-2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 37/128 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm (giai đoạn 2017-2020) phê duyệt theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, đạt 28% kế hoạch. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 là 91 đơn vị", ông Đặng Quyết Tiến thông tin.
Chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc năm 2020, do đó, việc cổ phần hóa 91 đơn vị khó khả thi. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, những nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa chậm là doanh nghiệp gặp vướng mắc về định giá tài sản, đặc biệt là về đất đai; nhiều quy trình thủ tục kéo dài; một số nội dung có cách hiểu khác nhau dẫn đến không thống nhất khi thực hiện. Dịch Covid-19 bùng phát khiến doanh nghiệp kinh doanh khó khăn cũng ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa. Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều địa phương nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Thực tế, một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể xác định giá trị doanh nghiệp.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, nguyên nhân chủ quan của tình trạng này là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước chưa tích cực, nghiêm túc trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là một trong những doanh nghiệp lớn phải cổ phần hóa trong thời gian tới. Trong ảnh: Công nhân Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone (VNPT) lắp đặt mạng 5G tại Hà Nội.
Cần quyết liệt trong thực hiện
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt Nguyễn Đức Hoàng đưa quan điểm, nên có một cơ quan thẩm định giá độc lập tham gia vào cổ phần hóa để tăng tính minh bạch hơn, hạn chế thấp nhất lợi ích nhóm. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) thì nhìn nhận, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra một số nhóm giải pháp. Theo đó, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý để lập phương án sử dụng theo quy định của pháp luật, trình UBND các tỉnh, thành phố có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Về phía cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020, cần hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020. Ngoài ra, lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa) và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để bảo đảm quyền lợi của Nhà nước.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định về đất đai trong cổ phần hóa để hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, nhằm tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra; phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có báo cáo đánh giá, kiểm điểm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan không hoàn thành kế hoạch được giao, để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Rõ ràng, đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Vấn đề là chính các đơn vị liên quan cũng phải nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện, đẩy nhanh tiến độ để kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt mục tiêu đã đề ra.
Theo Hanoimoi