Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá thị trường xăng dầu năm nay rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn nên đã bộc lộ khiếm khuyết trong điều hành. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu để phù hợp thực tế.
Chu kỳ 10 ngày vẫn gây nhiều tranh cãi
Đáng chú ý, Bộ trưởng Công Thương cho rằng nếu quy định 10 ngày không phù hợp thì có thể rút ngắn thời gian điều hành xuống còn 5 ngày. Thậm chí, nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân, đối tượng chịu tác động, đa số ý kiến cho rằng điều chỉnh giá theo ngày là phù hợp thì Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ.
Theo đó, thực hiện theo Nghị quyết 143 ngày 4/11 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Công điện của Thủ tướng về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022. Đến nay, chưa có dự thảo sửa đổi cụ thể nhưng Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi, trong đó có vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu.
Thực tế, thời gian qua, quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày một lần cũng vấp phải nhiều tranh cãi, đặc biệt gây ra những hỗn loạn trên thị trường xăng dầu, bởi việc lùi thời gian điều hành do trùng vào ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, việc rút ngắn, thay đổi chu kỳ điều hành liệu có dễ dàng thực hiện?
Về vấn đề này, trao đổi với truyền thông, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), nhìn nhận quãng thời gian điều chỉnh càng ngắn thì giá xăng dầu bắt nhịp với thế giới càng nhanh, sát với thị trường quốc tế hơn nhưng vẫn còn các yếu tố cần xét liên quan điều hành trong nước. Hiện, thị trường xăng dầu có rất nhiều khâu từ các đầu mối nhập khẩu rồi đến phân phối, đại lý và chính sách cũng còn nhiều vấn đề.
Nếu vẫn giữ được Quỹ bình ổn thì giá được điều chỉnh theo quỹ này phải có cơ chế vận hành từ các bộ, ban, ngành, còn thời gian cũng phải do các bộ, ngành tính toán. “Hiện nay, nhiều cửa hàng xăng dầu ở nhiều nơi có hiện tượng bán nhỏ giọt và có thể có tình trạng “găm hàng”. Việc này cũng liên quan đến mặt hàng điều hành giá. Việc rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu có gỡ khó cho những bất cập hiện nay không? Điều này cần phải tính toán kỹ lưỡng”, đại biểu Huân đề nghị.
Trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu từng ngày theo thị trường vẫn là tham vọng bởi hiện nay giá xăng chưa thể thả nổi theo thị trường và vẫn còn Quỹ bình ổn, tức là có tác động vì mục tiêu kiềm chế lạm phát để bình ổn, giữ vững kinh tế vĩ mô.
Không nên vì trùng vào ngày lễ, Tết mà lùi thời gian điều hành
Đại biểu Huân nêu tình huống: “Nếu thả nổi xăng dầu, ví dụ ngày mai giá biến động mạnh thì thế nào chúng ta cũng thấy tác động tới giá cả các mặt hàng trong nước. Về mặt kinh doanh, điều chỉnh giá hàng ngày là tốt nhất cho người tiêu dùng nhưng xét trên diện bình ổn kinh tế vĩ mô thì mục tiêu này quá tham vọng”.
Nhận định thị trường xăng dầu năm nay rất dị biệt, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, chia sẻ hiện giờ là 10 ngày điều chỉnh mộtt lần nhưng có nhiều quan điểm cho rằng 3 ngày, 5 ngày nhưng không ai làm được.
Ông Bảo nhấn mạnh, chu kỳ điều chỉnh ngắn thì cơ quan Nhà nước khó điều hành, bởi chỉ doanh nghiệp mới có thể làm được việc này. “Cơ sở nào để điều chỉnh? Nhà nước chỉ quản lý ở mức chịu đựng khung giá, mức chịu đựng của nền kinh tế. Quy trình báo cáo lên, tổng hợp lại, có đoàn đi từng doanh nghiệp để thẩm tra, rồi những chi phí đó phải được kiểm toán. Vậy, giá xăng dầu chờ kiểm toán độc lập thì đến bao giờ?”, ông Bảo liệt kê hàng loạt lý do.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, vừa rồi Bộ Tài chính cũng rất tích cực cử đoàn đi xuống các doanh nghiệp thẩm tra, "cộng trừ nhân chia" rất vất vả. Các bộ, ngành đã thực hiện tròn vai trách nhiệm của mình nhưng thẳng thắn mà nói không thể thực hiện được 3 ngày điều chỉnh một lần khi mà Nhà nước vẫn can thiệp giá, vì không có cơ chế nào phủ được dị biệt của thị trường.
Trong bối cảnh đó, TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), nêu quan điểm cần xem xét lại quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Theo đó, ông Tây kiến nghị sửa là: Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ dịp Tết Nguyên đán thì phân công người trực điều hành giá để đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh được bình thường.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc nhấn mạnh: Bất kỳ cơ quan nào cũng có phân công người trực lễ, Tết nên sẽ đảm nhiệm được việc này. Minh chứng không điều chỉnh giá xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã khiến doanh nghiệp thua lỗ lớn, từ đó gây bất ổn cho thị trường xăng dầu.
Theo VNbusiness