Thứ Sáu, 22/11/2024 20:07:40 GMT+7
Lượt xem: 744

Tin đăng lúc 17-04-2023

Coi chừng hàng giả, hàng nhái khi “chốt đơn” trên Tiktok Shop

Ra mắt vào giữa tháng 4/2022, TikTok Shop đánh dấu sự hình thành của mảng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) của TikTok tại thị trường Việt Nam và dần trở thành một trong những sàn TMĐT thu hút lượng lớn khách hàng.
Coi chừng hàng giả, hàng nhái khi “chốt đơn” trên Tiktok Shop
Hình ảnh so sánh sản phẩm thật (trái) và giả (phải) của tuyp kem chống nắng được mua trên tiktok shop

TikTok Shop là một gian hàng được tích hợp trên nền tảng của TikTok. Khi người dùng xem video sẽ hiện trực tiếp link mua hàng trên đó, người dùng chỉ cần click là có thể mua hàng mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng. Các sản phẩm của người bán được giới thiệu cho người dùng TikTok thông qua video, livestream và giới thiệu sản phẩm nổi bật trong trang hồ sơ của họ. Người mua sẽ tìm thấy đầy đủ thông tin chi tiết của sản phẩm...

 

Thế nhưng, TikTok Shop đang trở thành điểm tập trung mới của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Không riêng tại Việt Nam, người dùng trên khắp thế giới cũng phản ánh tình trạng này.

 

Dạo một vòng trên TikTok Shop, dù ở bất kỳ giờ nào, cũng không khó để nhận ra các TikToker livestream bán hàng và thu hút lượng người mua đông đúc.

 

Chị Thanh Trà - Hà Nội đã bị thu hút bởi một tuýp kem chống nắng Martiderm với giá chỉ 200.000 đồng, bằng 20% giá của sản phẩm này tại các cửa hàng chính hãng. Chị Trà nhanh chóng chốt đơn vì nghĩ đây là một món hời. "Trên livestream họ nói đây là hàng xách tay nên rẻ. Người bán cũng cho biết tuýp kem chống nắng này đã sập giá nhiều so với trước nên khách hàng có thể hưởng lợi nếu mua vào thời điểm này", chị Trà cho biết thêm. Tuy nhiên, ngay khi nhận được sản phẩm, người mua nhanh chóng phát hiện đây là sản phẩm giả bởi sự khác biệt rõ rệt từ bao bì, thiết kế và chất lượng kem.

 

Theo bạn Thu Trang (sinh viên đại học Hà Nội), TikTok Shop đã và đang "thật giả lẫn lộn". Nghĩa là hàng giả, hàng nhái đang lan tràn, khiến người xem rất khó phân biệt. Trang cho biết cô nàng đã từng mua một đôi giày hiệu A, khá ưng ý chỉ có 700.000 đồng, tuy nhiên, sau khi so sánh với một sản phẩm khác, cũng thương hiệu A thì giá đến 2,3 triệu đồng. "Tôi sốc vì biết mình đã 'vớ' phải hàng giả", Trang nói.

 

Một trường hợp khác, anh Lê Minh Hiếu (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) kể lại việc đã từng mua một va li với giá 1,2 triệu đồng trên TikTok Shop. Nhưng sau đó đã "hỡi ôi" vì đó thực chất là hàng giả. Anh Hiếu nhận định, rằng: "TikTok Shop đã và đang trở thành thiên đường của hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái đang cấp tập trên TikTok Shop rất nhiều".

 

Trần Minh Tú (25 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho biết bản thân là tín đồ của loại son D. Cách đây không lâu, Tú vì 'tiện tay' nên đặt hàng trên TikTok Shop qua kênh của T.N.D. một thỏi son D thay vì đi mua trực tiếp. Và khi nhận hàng, Tú bất ngờ vì: "Cũng là son D nhưng cảm thấy khác thường, màu son không như trước đây, chất lượng kém xa. Sau khi đem đến cửa hàng trực tiếp để so sánh thì mới phát hiện đã mua phải hàng giả".

 

 

Người dùng TikTok chỉ cần click là có thể mua hàng mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng

 

Có một điểm chung là những người được cho là bán hàng nhái, hàng giả này luôn bán với giá rẻ hơn so với các cửa hiệu khác, cũng như giá thấp so với hàng chính hãng. Họ giải thích để trấn an khách hàng rằng vì họ lấy sỉ số lượng lớn nên có giá ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế là vì họ bán hàng kém chất lượng, hàng giả, nhái sản phẩm từ các thương hiệu nên sẵn sàng bán ra với giá thành thấp để câu kéo khách hàng.

 

Theo ý kiến của lực lượng Quản lý thị trường, trước đây, thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp thì hiện nay, các đối tượng có thể bán trên nhiều kênh khác nhau như: Sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…, bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng bán. Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).

 

Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc tâng bốc lẫn nhau bằng các bình luận, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng...

 

Ngoài ra, để dễ dàng kinh doanh, người bán hàng trên sàn thương mại điện tử tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, các đối tượng lại tiếp tục đổi thành tên khác. Ðáng chú ý, một số đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn và kho hàng ở các khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi.

 

Đại diện của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng khuyến nghị: Nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo khách hàng và bán hàng giả, thậm chí là những KOL (người có tầm ảnh hưởng đến một cộng đồng nhất định) có hàng triệu người theo dõi trên nền tảng TikTok. Chính vì thế, hãy tỉnh táo và cảnh giác trước những chương trình khuyến mại rẻ bất ngờ (>70%), những lời mời chào 'hàng công ty', 'hàng miễn thuế' để không gây hại cho chính làn da và sức khỏe của mình.

 

Như Trang


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang