Chủ Nhật, 24/11/2024 02:56:30 GMT+7
Lượt xem: 7104

Tin đăng lúc 17-11-2018

“Cởi trói” tốc độ 4G

Tháng 11-2016, Việt Nam chính thức ghi tên mình vào bản đồ 4G thế giới. Chỉ một năm sau đó, hạ tầng kỹ thuật 4G tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã phủ sóng 4G tới hầu khắp các quận, huyện trên cả nước.
“Cởi trói” tốc độ 4G
Ảnh minh họa

Theo một kết quả khảo sát đã được công bố, tỷ lệ phủ sóng 4G tại Việt Nam lên đến 71,26% diện tích lãnh thổ. Có thể thấy, những bước tiến mạnh mẽ của 4G đã tạo hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là các hoạt động kinh tế số.

 

Tuy nhiên, sự phát triển của 4G chỉ mới theo chiều rộng, chiều sâu còn hạn chế. Tốc độ mạng 4G của Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp, chưa đạt chuẩn so với tiêu chuẩn Liên minh Viễn thông thế giới (tốc độ truyền tải dữ liệu của 4G cao hơn 3G hàng chục lần). Cụ thể tại Việt Nam, tốc độ truyền tải dữ liệu trung bình của mạng 4G là 35-37 Mbit/giây, chỉ cao gấp từ 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của mạng 3G hiện tại. Không những vậy tốc độ truyền tải dữ liệu có độ chênh khá lớn ở các khu vực khác nhau. Điều này dẫn đến tốc độ trung bình internet của Việt Nam chỉ được xếp hạng 75 trên thế giới theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

 

Nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ 4G chưa đạt được tốc độ tiêu chuẩn là do bị giới hạn bởi độ rộng băng tần. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz. Thế nhưng, dung lượng hạn chế của băng tần 1800 MHz chỉ phù hợp với thời kỳ đầu triển khai dịch vụ 4G. Còn khi lượng thuê bao đã phát triển lên hàng triệu và chục triệu như hiện nay, tần số hiện tại của băng tần 1800 MHz đã không đủ cung cấp, trong khi đó, băng tần có thể giúp cho tốc độ 4G tốt hơn là 2.6 GHz (theo tính toán, băng tần 2.6 GHz sẽ tăng gấp khoảng ba lần so với tốc độ trên băng tần 1800 MHz hiện tại). Cùng với đó, nhà mạng cũng sẽ tiết kiệm được chi phí vì nếu dùng băng tần 1800 MHz, doanh nghiệp sẽ phải lắp nhiều trạm hơn và giá trị mỗi trạm lên tới 500 đến 700 triệu đồng.

 

Đại diện các nhà mạng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G và theo đúng kế hoạch trước đây, Việt Nam dự kiến sẽ đấu giá các băng tần 4G LTE chậm nhất là vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đấu giá cũng vẫn chưa được triển khai, do đó gây thiệt hại lớn cho cả doanh nghiệp và xã hội. Việc cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz sẽ không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.

 

Mới đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần thúc giục, chỉ đạo Cục Tần số vô tuyến điện nhanh chóng triển khai việc cấp phép băng tần 2.6 GHz nhằm phát triển dịch vụ 4G cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Các nhà mạng kỳ vọng nếu có được băng tần hợp lý sẽ chủ động kế hoạch triển khai, đưa tốc độ của 4G đạt đúng với tiêu chuẩn, bảo đảm sự hài lòng của khách hàng.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang