Tôm hùm Mỹ, cherry, việt quất Mỹ, thịt ngoại… đang được rao bán tại thị trường Việt Nam với giá rẻ hơn rất nhiều so với trước đây.
Hàng ngoại, giá nội
Theo khảo sát, trên thị trường, tôm hùm Việt đang có giá khoảng 1,2 – 1,4 triệu đồng cho loại 400-500 gram/con; loại 0,9 – 1kg có giá gần 2 triệu đồng. Trong khi đó, gần đây, khá nhiều đầu mối chào hàng loại tôm hùm Alaska Mỹ có trọng lượng 400-500 gram nhưng giá chỉ 500.000 – 700.000 đồng/kg.
Theo một số đầu mối nhập tôm Mỹ, một phần nguyên nhân khiến tôm hùm Mỹ vào Việt Nam rẻ là do đúng mùa đánh bắt của Mỹ. Trong khi đó, nguồn cung năm nay dồi dào mà thị trường tiêu thụ không kịp nên giá giảm mạnh. Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng khiến giá tôm nước này lao dốc.
Không chỉ tôm, hiện nay, hoa quả nhập khẩu từ Mỹ trên thị trường Việt Nam cũng rẻ gần một nửa so với năm ngoái. Nhiều siêu thị, cửa hàng buôn bán trái cây nhập khẩu tại Hà Nội đang giới thiệu hoa quả nhập khẩu từ Mỹ có giá "bất ngờ", giảm 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Anh Tuấn, chủ một shop kinh doanh trái cây trên đường Nguyễn Trãi, cho biết cửa hàng bán cherry với giá 235.000 đồng/kg, loại size 10. Trong khi đó, những năm trước, giá loại quả này trung bình hơn 500.000 đồng/kg. Do giá rẻ nên gần đây, lượng cherry nhập khẩu về cửa hàng đã tăng gấp 3-4 lần so với trước.
"Nếu trước đây, người tiêu dùng chỉ mua cherry hộp nhỏ loại 250-500gram, nay nhiều người sẵn sàng mua hộp 1-2kg trở lên", anh Tuấn cho biết.
Khảo sát tại một siêu thị lớn tại Hà Nội cũng cho thấy cách đây 4 tuần, giá cherry khá cao, dao động khoảng 400.000 đồng/kg, nay đã giảm khá sâu chỉ hơn 200.000 đồng/kg. Nhân viên siêu thị cho biết, đây là mức giảm giá chưa từng có từ trước đến nay, do vậy lượng tiêu thụ theo đó cũng tăng cao.
Tương tự như cherry, quả việt quất Mỹ cũng đang có giá rẻ bất ngờ ở thị trường Việt. Giá bán việt quất vào khoảng 400.000 – 500.000 đồng/ kg. Trước đây, loại quả này được rao bán 700.000 – 800.000 đồng/kg.
Trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi, thịt ngoại theo đó cũng đang ồ ạt được nhập khẩu vào Việt Nam. Tổng cục Hải quan Tp.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, Tp.HCM đã chi hơn 10 triệu USD để nhập 5.648 tấn thịt lợn, tăng về lượng gần 4.800 tấn, tăng về kim ngạch gần 8,1 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt lợn nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá lợn trong nước.
Đón đầu Hiệp định EVFTA, hiện nay, Việt Nam đang nhập khá nhiều các sản phẩm sữa từ EU như bơ, pho mát, sữa bột và kem dạng bột. Khi hiệp định có hiệu lực, sản phẩm từ châu Âu sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp (DN) sữa của Việt Nam nhờ những ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng mà châu Âu vốn đã có thế mạnh.
Doanh nghiệp Việt cần thức tỉnh
Như vậy, không còn là cảnh báo, sức ép cạnh tranh của các mặt hàng thực phẩm trên "sân nhà" hiện nay là cực kỳ gay gắt.
Theo ông Florian Beranek, chuyên gia trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội của DN và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm: "Với các hiệp định thương mại tự do (FTA), chúng ta hay nói tới con đường một chiều tuyệt vời cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, nhưng thực tế FTA nào cũng là thỏa thuận hai chiều. Như với EVFTA, các sản phẩm châu Âu cũng sẽ đến Việt Nam với những nhãn hiệu nổi tiếng, giá rẻ sẽ cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam ngay trên sân nhà".
Vì vậy, ông Florian cho rằng DN Việt Nam hãy thức tỉnh vì sẽ không có ai là quá nhỏ để không chịu tác động từ FTA, các DN sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm, dịch vụ châu Âu cũng như các nước khác ngay tại thị trường trong nước – nơi mà nhiều DN vẫn lầm tưởng là không ai có thể giành giật của mình.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit, nhìn nhận việc DN nước ngoài đưa hàng vào Việt Nam là chuyện bình thường. Khi làm ra sản phẩm, DN phải xác định đối thủ của mình là trên đấu trường quốc tế và tìm sự khác biệt cho sản phẩm để cạnh tranh. Vấn đề là DN Việt Nam phải biết mình có lợi thế gì, phải có chính sách ứng phó với hàng ngoại nhập, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà.
Trước việc hàng hóa nông sản Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những thị trường có thế mạnh về công nghệ, với những sản phẩm chất lượng cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong cuộc chơi thì phải chấp nhận cạnh tranh. Có điều để giành chiến thắng, DN Việt Nam cần phải coi thị trường 100 triệu dân trong nước như thị trường xuất khẩu để cung cấp hàng hóa đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn. Nếu hàng hóa của chúng ta đạt chuẩn thì bán ở đâu cũng được.
Theo thoibaokinhdoanh.vn