Trong báo cáo mới đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã bày tỏ kỳ vọng sau quý 2/2204, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý 3/2024, là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.
Lo giảm khả năng cạnh tranh
Như phản ánh của hiệp hội này, sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu (XK) và nguồn cung, cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt…đang và sẽ tiếp tục tác động đến XK thủy sản Việt Nam trong năm nay.
Theo Vasep, trong top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi XK sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, XK sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Gia tăng sức ép lực cạnh tranh trên thị trường XK là điều thấy rõ ở ngành hàng này. Đơn cử như với XK tôm vào thị trường Trung Quốc, ông Đỗ Ngọc Tài, Phó chủ tịch Vasep, cho biết giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ. Những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao, vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn về giá.
Ngoài ra, đứng ở góc độ quản lý, khi trao đổi với các DN xuất khẩu thủy sản, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, có lưu ý các DN nhận thức và có những giải pháp nhất định cho mình. Nhất là trước các thách thức về nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu. Hơn nữa, lạm phát và các chi phí sản xuất làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Bản thân các DN lại thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân....
Còn với XK rau quả, mặc dù kim ngạch XK rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan (ước tính nửa đầu năm 2024 đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023), thế nhưng vẫn chưa thể yên tâm về hoạt động XK ở ngành hàng này sao cho bền vững trong bối cảnh các thị trường chủ lực ngày càng đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.
Bởi lẽ hiện nay không chỉ Trung Quốc (là thị trường XK rau quả chính của Việt Nam, chiếm 61,4% tổng trị giá XK) mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu.
Nhất là Trung Quốc đã nâng tiêu chuẩn kiểm soát hàng nhập khẩu về nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm và dịch bệnh động thực vật. Trong khi gần đây một số loại rau quả xuất sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về chất lượng.
Hay như việc EU trong tháng 6/2024 đã tăng tần suất, siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng ớt, thanh long nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là thông tin không vui cho 2 mặt hàng trên cũng như nông sản Việt Nam tại thị trường lớn và khó tính này.
Trước việc tăng tần suất kiểm tra như vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu DN tái phạm các vấn đề về dư lượng, họ có thể chịu tần suất kiểm tra cao hơn, thậm chí bị cấm XK sang EU. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ, sức cạnh tranh của sản phẩm ớt và thanh long của Việt Nam tại EU.
Và để nâng cao hiệu quả các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động, thực vật, trong tháng 6 này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do. Động thái này nhằm nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ DN trong ngành hàng nông sản tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường.
Rủi ro nguồn cung, nguy cơ “mất đơn hàng”
Riêng đối với hoạt động XK các sản phẩm từ cây công nghiệp như hạt điều, tiêu, cà phê, tuy có tăng trưởng khả quan về kim ngạch trong nửa đầu năm nay nhưng các DN cũng cần thận trọng trước những thách thức trong nửa cuối năm. Nhất là các vấn đề giá cả nguyên liệu trong nước tăng bất thường, nguồn cung thiếu hụt, DN xuất khẩu gặp rủi ro khi phải mua hàng giá cao giao cho hợp đồng giá thấp hoặc không thể thực hiện hợp đồng…
Chẳng hạn với XK cà phê, mặc dù có thể đạt kim ngạch kỷ lục là 6 tỷ USD trong năm nay, thế nhưng ngành hàng này đang đối mặt những vấn đề cam go như sự sụt giảm rõ rệt về sản lượng so với các mùa trước. do thời tiết bất lợi, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng, giá thành cao, giảm lượng cà phê dành cho XK. Rồi vào những thời điểm giá cà phê tăng bất thường khiến cho DN xuất khẩu gặp rủi ro khi “mua xa, bán xa”.
Nếu nhìn vào số liệu mới đưa ra từ Bộ Công Thương sẽ thấy nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng XK trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, tổng kim ngạch XK ước đạt 18,21 tỷ USD. Thế nhưng, nhìn vào những vấn đề thách thức đang phải đối mặt ở một số ngành hàng chủ lực trong XK nông sản để thấy vẫn còn những điều chưa thể yên tâm.
Nên nhắc thêm, trong cuộc gặp gỡ cách đây không lâu được diễn ra ở Tp.HCM giữa các nhà thu mua quốc tế cùng những tập đoàn phân phối lớn trên toàn cầu với các DN trong ngành hàng nông sản Việt, vấn đề được đưa ra bàn thảo là mặc dù XK nông sản của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chủ yếu xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch XK, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Và đây rõ ràng không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả.
Ngoài ra, các DN cũng phản ánh hàng nông sản, thực phẩm XK vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn từ việc tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao, hoặc như chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường.
Không chỉ vậy, các thị trường XK nông sản lớn của Việt Nam đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các nông sản nhập khẩu. Cho nên việc “xanh hóa” không còn là một lựa chọn mà là yếu tố bắt buộc nếu như các DN trong ngành hàng nông sản không muốn dẫn đến nguy cơ “mất đơn hàng” vào tay đối thủ cạnh tranh.
Theo VNbusiness