Từ cuộc khảo sát và phỏng vấn trực tiếp 16.000 gia đình ở 12 tỉnh, thành phố về bình chọn các thương hiệu hàng Việt, cuộc bình chọn này đã đưa ra một số xu hướng để doanh nghiệp trong nước điều chỉnh sản xuất kinh doanh như: Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm qua thông tin từ người bán, trên các kênh truyền thông và mạng xã hội; mua sắm chuyển mạnh từ chợ, của hàng tạp hóa sang siêu thị và các kênh bán hàng online; yếu tố quyết định để sản phẩm được lựa chọn là an toàn cho sức khỏe, chất lượng tốt và giá cả hợp lý…
Năm nay, trong số 592 doanh nghiệp đạt chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” thì có gần 40 doanh nghiệp đạt chứng nhận 21 năm liền với các hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu ở các ngành hàng gồm: bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp, nước chấm gia vị, đồ uống không cồn, rượu bia, sản phẩm vải sợi, may – thêu, da-giả da, sản phẩm từ cao su, hóa mỹ phẩm, trang sức, được phẩm, điện gia dụng, máy móc gia dụng…
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Qua hơn 20 năm, chương trình bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở thành cầu nối xúc tiến thương mại trọng điểm của thành phố và cả nước. Tp. Hồ Chí Minh hy vọng chương trình sẽ tiếp tục phát triển cao hơn nữa, logo của chương trình sẽ trở thành biểu tượng tín nhiệm của người tiêu dùng thế giới. Việc khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao trên thế giới không chỉ là mong mỏi của doanh nghiệp mà còn là khát vọng cháy bỏng của thành phố”.
Tuấn Anh