Sản phẩm là kết quả phối hợp nghiên cứu của công ty viễn thông NTT cùng các tập đoàn điện tử NEC và Fujitsu của Nhật Bản.
Science Alert mô tả thiết bị không dây 6G tốc độ cao đầu tiên trên thế giới này, có khả năng truyền dữ liệu với tốc độ lên tới 100 gigabit mỗi giây (Gbps) ở khoảng cách gần 100 m.
Tốc độ truyền dữ liệu này tương đương với việc truyền không dây 5 bộ phim HD/giây và nhanh hơn tới 500 lần so với tốc độ 5G T-Mobile trung bình ở Mỹ.
Việc thử nghiệm thành công đối với thiết bị không dây 6G khiến tốc độ truyền tải 5G, vốn được triển khai vào vào 2019 bỗng trở nên "quá đỗi lạc hậu".
Sự khác biệt chính giữa 5G và 6G nằm ở dải tần của phổ điện từ mà chúng hoạt động. Hoạt động ở băng tần cao hơn thường có nghĩa là tốc độ cao hơn nhiều.
Tín hiệu 5G thường được truyền ở các băng tần dưới 6 GHz và được mở rộng thành các băng tần khoảng 40 GHz – được gọi là "dải sóng milimet".
Còn với 6G dự kiến sẽ sử dụng các dải tần số cao hơn, được gọi là băng tần "sub-THz", nằm trong khoảng từ 100 GHz đến 300 GHz. Việc truyền trong khu vực này tận dụng lợi thế về tốc độ nhanh hơn nhưng có nhược điểm là gây nhiễu nhiều hơn cho môi trường khiến tín hiệu có nhiều khả năng bị chặn hơn, đặc biệt là trong nhà.
Do 6G dựa trên các dải tần số cao hơn nhiều nên cần cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới để truyền và khuếch đại tín hiệu, trong khi điện thoại thông minh hoặc thiết bị VR sẽ yêu cầu ăng-ten 6G.
Theo nld.com.vn