Thứ Hai, 25/11/2024 08:52:49 GMT+7
Lượt xem: 2817

Tin đăng lúc 27-04-2018

Công nghệ 'chắp cánh' cho làng nghề

Ứng dụng công nghệ cao tại các làng nghề là xu hướng tất yếu, giúp các sản phẩm dễ dàng đến với người tiêu dùng. Đây cũng là cách bảo vệ thương hiệu làng nghề an toàn nhất trong thời hội nhập.
Công nghệ 'chắp cánh' cho làng nghề
Việc ứng dụng công nghệ cao cũng là cách bảo vệ thương hiệu làng nghề an toàn nhất trong thời hội nhập.

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 58,8% tổng số làng toàn thành phố; trong đó, có 286 làng nghề đã được công nhận, như: sơn mài, khảm trai, gốm, mây tre đan, tăm hương, chế biến lâm sản, mộc dân dụng, gỗ cao cấp, thêu ren, dệt may…

 

Trong những năm gần đây, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từng bước đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động chân tay hay công nghệ lạc hậu.

 

Xu hướng tất yếu

 

Trong chuyến thăm làng nghề Bát Tràng ngày mới đây (28/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý mỗi nhà, mỗi người dân và đơn vị sản xuất phải quan tâm bảo vệ môi trường. Thứ hai là quan tâm đến thị trường, trong đó chú trọng phát triển, hợp tác với các nhà tiêu thụ, phân phối. Cùng với đó là cải thiện kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới từ cuộc cách mạng 4.0 để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

 

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại các làng nghề đã cho sản phẩm chất lượng tốt hơn, tăng năng suất, hạ giá thành, đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn, đa dạng hóa sản phẩm, giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho người lao động; góp phần bảo đảm tính thẩm mỹ và độ tinh xảo của sản phẩm. 

 

Đến nay, hầu hết các cơ sở sản xuất tại các làng nghề đều đã tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin để xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. 

 

Tại làng nghề Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc cho biết, làng có 200 hộ làm nghề dệt lụa, trước kia các hộ sản xuất thủ công, nhưng đến nay hầu hết đã đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm. Một số hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc cho sản xuất. Đến nay, làng Vạn Phúc có khoảng 245 máy dệt, sản xuất được tất cả các sản phẩm lụa từ tơ tằm đến sợi bóng. Bản thân ông Hà và gia đình cũng gắn bó với nghề từ rất lâu và là một trong những hộ tiên phong của làng về cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm với 6 máy dệt.

 

Tương tự, tại làng nghề sơn mài xã Duyên Thái (huyện Thường Tín), nhiều gia đình đã áp dụng công nghệ vào việc ép viên năng lượng và tạo cốt. Các xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai), An Thượng (huyện Hoài Đức) sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo làm bánh đa nem.

 

Gần đây nhất làng gốm Bát Tràng, công nghệ 4.0 đã được áp dụng trong quy trình sản xuất. Điển hình tại BatTrang Family, việc ứng dụng công nghệ đã giúp đồng bộ hoá về sản phẩm, hệ thống các cửa hàng, công nghệ quản lý,... Đặc biệt mô hình được số hoá trên môi trường số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động sản xuất, phân phối, hoạt động truyền thông và quản trị.

 

Còn đó những khó khăn...

 

Nói về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao tại các làng nghề, ông Nguyễn Văn Sửu ,Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, các làng nghề cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao; phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, tập trung vào các sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nhằm tạo vị thế cho sản phẩm làng nghề trong quá trình hội nhập.

 

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các làng nghề còn chưa rộng rãi. 

 

Để bảo đảm các làng nghề hoạt động hiệu quả, theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng như chính sách ưu đãi, tiếp tục tập trung nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, lựa chọn công nghệ thích hợp với cơ sở sản xuất làng nghề, phát huy vai trò của cơ quan chuyên môn để làm nòng cốt trong việc chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. 


Ngoài ra, thiết lập hệ thống cung cấp thông tin về thiết bị, công nghệ cho các làng nghề; tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ và quản lý công nghệ cho người sử dụng; tăng cường tuyên truyền về ứng dụng công nghệ vào làng nghề để không chỉ nâng cao ý thức cho người dân, mà còn nâng cao trách nhiệm cho các cán bộ quản lý, chính quyền địa phương.

 

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm; bố trí khu đất để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch… 

 

Nguồn Enternews

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang