Tận dụng lớn
Theo PGS. TS Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, Bộ Công Thương, Trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm hệ thống lò khí hóa lõi ngô - hàng năm lõi ngô thải ra môi trường khoảng 8 - 10 triệu tấn, thế nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ được sử dụng nghiền làm phân bón vi sinh, làm giá thể trồng nấm và chất đốt thủ công, còn lại phần lớn là vứt thải, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, đa số các cơ sở sấy ngô ở Việt Nam hiện vẫn sử dụng nguồn năng lượng nhiệt bằng cách đốt trực tiếp nhiên liệu than đá, hoặc đốt trực tiếp lõi ngô bằng lò thủ công, dẫn đến ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, đồng thời làm ám màu ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm sấy.
Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, Bộ Công Thương đã phê duyệt cho Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp bằng nguồn kinh phí của Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” giai đoạn 2010 - 2015 về hướng nghiên cứu ứng dụng phương pháp khí hóa lõi ngô theo nguyên lý liên tục ở quy mô công nghiệp. Sau một thời gian khảo nghiệm thực tiễn sản xuất tại Sơn La, giải pháp này đã tạo ra năng lượng sạch dùng cho sấy luôn ngô, được chuyên gia đánh giá cao trong việc mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với tính ưu việt vượt trội, hệ thống thiết bị chuyển đổi năng lượng từ lõi ngô đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0012653-000 “Thiết bị khí hóa xuôi chiều liên tục sử dụng nhiên liệu là lõi ngô” và bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, được cấp năm 2015 “Thiết bị khí hóa xuôi chiều”.
Hiệu quả cao
Theo Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, qua nghiên cứu và lấy mẫu ở một số cơ sở chế biến ngô tại huyện Mai Sơn, Sơn La cho thấy, lõi ngô sau khi chế biến có độ ẩm khoảng 34 - 45%, đường kính 30 - 50mm, khối lượng riêng vào khoảng 200 - 220 kg/m3. Bởi vậy, lượng lõi ngô rất lớn có thể làm nguồn nguyên liệu chuyển đổi sang dạng năng lượng nhiệt sạch nhờ công nghệ khí hóa. Kết quả sau khi khảo nghiệm trong thực tiễn sản xuất chất lượng của hệ thống lò khí hóa lõi ngô ở Sơn La cũng cho thấy đã đáp ứng được hoàn toàn các yêu cầu về chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật. Chi phí cho nhiên liệu đốt chỉ bằng khoảng 1/3 so với lò đốt trực tiếp sử dụng than đá. Hơn nữa, giá thành thiết bị chỉ bằng khoảng 40 - 45% so với nhập ngoại từ Ấn Độ, Thái Lan, Philipin, Trung Quốc…
Hiện nay, sản phẩm hệ thống lò khí hóa lõi ngô đã được chuyển giao công nghệ ứng dụng cho Công ty Chế biến nông sản tại Sơn La. Qua thời gian khảo nghiệm đưa thiết bị ứng dụng vào sản xuất tại cơ sở này cho thấy, cường độ ngọn lửa khi đốt khí tổng hợp lớn và ổn định với chiều dài ngọn lửa khoảng 1,5 – 2,0 m, nhiệt độ đo được tại tâm ngọn lửa khoảng từ 6500C đến 7600C, lượng nhiên liệu cung cấp từ 120 – 150 kg/h, lưu lượng gió cung cấp 235 – 310 m3/h, tỷ lệ tro sau khí hóa chiếm khoảng 4 - 6%...Theo các chuyên gia, với việc tạo ra thiết bị lò khí hóa lõi ngô sẽ mở ra hướng đi mới trong việc sử dụng có hiệu quả các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có lõi ngô – một trong những phụ phẩm có nhiều tại Việt Nam đang bị thải ra môi trường một cách lãng phí.
Hệ thống khí hóa lõi ngô liên tục quy mô công nghiệp có thiết bị để tác dụng chuyển đổi năng lượng ở dạng rắn (lõi ngô) sang dạng khí tổng hợp (syngas), có nhiệt trị cao, dễ sử dụng mà trong nước chưa thấy đơn vị nào chế tạo. Khí tổng hợp syngas này có thể sử dụng đốt lấy nhiệt cung cấp cho chính cơ sở sấy ngô hoặc các thiết bị khác có sử dụng năng lượng nhiệt. |
Theo Báo Công Thương điện tử