Tiềm năng và cơ hội
Theo Bộ TT-TT, "Make in Vietnam" có ý nghĩa thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp công nghệ trong sản xuất, thiết kế sản phẩm công nghệ; thể hiện khao khát của người Việt trong việc làm chủ công nghệ. Trong đó, lĩnh vực phần mềm phải là hạt nhân để thực hiện mục tiêu này.
Thống kê mới nhất của Bộ TT-TT cho thấy, Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), đạt doanh thu 98,9 tỷ USD năm 2018. 5 tháng 2019, doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp này đạt hơn 32 tỷ USD. Trong đó, phần lớn doanh thu thuộc khối doanh nghiệp phần cứng sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại... có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như Samsung.
Doanh thu của khối phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin khá khiêm tốn, chỉ đạt 4,3 tỷ USD (xuất khẩu là 3,5 tỷ USD), mặc dù con số này đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2003 khi đạt khoảng 62 triệu USD.
Ngoài ra, tuy doanh thu từ ngành ICT cao, nhưng giá trị lợi nhuận lại không cao. Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, nếu chỉ gia công phần mềm xuất khẩu và lắp ráp thì chuỗi giá trị gia tăng rất thấp, tỷ lệ lợi nhuận chỉ khoảng 10-13%. Do vậy, "Make in Vietnam", sản xuất, chế tạo bởi người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam là hướng phát triển thông minh.
Quan điểm này cũng được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đề cập nhiều lần. Theo Bộ trưởng, ngành phần mềm trong nước đã có quá trình phát triển 30 năm. Lúc đầu, để xây dựng, phải làm gia công xuất khẩu là đúng. Nhưng, nếu sau 30 năm mà vẫn làm gia công, vẫn "xin" các cơ chế ưu đãi thuế, thì không đúng. Đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để sáng tạo sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp phần mềm cần chọn những việc giá trị cao, phải nâng cao năng suất lao động và đóng thuế như bất kỳ doanh nghiệp nào khác để xây dựng đất nước.
Minh chứng cho nhận định này là trường hợp của Tập đoàn Vingroup - vốn chuyên về bất động sản, nhưng khi chuyển sang làm công nghệ đã có cách tiếp cận khác biệt. Đó là Vingroup chi đầu tư rất lớn cho khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), mời các chuyên gia công nghệ giỏi trên toàn cầu về làm việc...
Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV hiến kế, nên chọn ra 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn, đóng vai trò dẫn đầu chuỗi giá trị: Làm chủ nghiên cứu, thiết kế và sản xuất sản phẩm công nghệ. Các doanh nghiệp này cũng phải sở hữu những công nghệ, sản phẩm nổi trội, có thể cạnh tranh với sản phẩm của tập đoàn toàn cầu...
Chính phủ là "hộ tiêu dùng lớn nhất"
Cùng với việc đặt mục tiêu phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT-TT cũng nêu rõ quan điểm Chính phủ là "hộ tiêu dùng lớn nhất". Vì, nếu Chính phủ mua sắm các sản phẩm công nghệ trong nước sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu hình thành các công ty công nghệ lớn.
Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT chia sẻ, có không ít doanh nghiệp làm phần mềm không thành công, lại phải quay về làm gia công xuất khẩu, để "nuôi" bộ máy. Do vậy, bên cạnh điều kiện "cần" là doanh nghiệp phải vào cuộc, thì điều kiện "đủ" là phải tạo thị trường cho sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.
"Các nền tảng quan trọng hiện nay cho công nghiệp 4.0 như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... đều là nguồn mở và đó là điều kiện để chúng ta tham gia phát triển các sản phẩm", ông Nguyễn Thế Trung nói.
Cùng quan điểm này, ông Lữ Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Misa cho rằng, không có một chính sách nào tuyệt vời hơn khi Chính phủ là "thị trường tiêu dùng lớn", làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đứng vững và từ đó bước ra thế giới.
Ngược lại, doanh nghiệp công nghệ phải hướng tới sản phẩm xuất phát từ nhu cầu xã hội, giải quyết những nhu cầu của Việt Nam. Tập trung cho R&D cũng là quan điểm được ông Nguyễn Trung Chính chỉ ra, đồng thời đề xuất phải có chính sách kéo lực lượng R&D đã làm cho doanh nghiệp nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước.
Đề xuất rõ hơn về giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ông Nguyễn Ích Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Tinh Vân cho biết, doanh nghiệp cần tập trung vào năng lực công nghệ cao, sở hữu nhiều sáng chế và bản quyền trí tuệ. Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế huy động được khối tư nhân với tiềm lực mạnh tham gia phát triển công nghệ.
Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ TT-TT tổ chức ngày 9-5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ TT-TT xây dựng chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để trình Chính phủ phê duyệt.
Với sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ TT-TT, cùng nỗ lực của các doanh nghiệp, hy vọng sẽ có các thương hiệu công nghệ Việt Nam không chỉ góp phần xây dựng, thúc đẩy phát triển đất nước, mà còn vươn ra thị trường thế giới.
Theo hanoimoi.com.vn