Nhiều giống mới thích ứng biến đổi khí hậu
Theo Viện Lúa ĐBSCL, người dân ở vựa lúa ĐBSCL đã lựa chọn nhiều hơn những giống lúa mới chọn tạo có khả năng chịu mặn tốt, như: OM8232, OM8959, OM1735, OM6916, OM6904, OM6932, OM6893 … với tổng diện tích sản xuất hiện nay là 152.000ha. Các giống lúa này đều có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 90 - 100 ngày), năng suất trung bình từ 5 - 7tấn/ha, chất lượng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Viện đã chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng, giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né mặn, tránh lũ. Bên cạnh đó, một số cây trồng cạn, như: giống đậu nành HL 07-15, HLĐN 29, HLĐN9 10, giống vừng đen ĐH-1 được chọn tạo có các đặc tính thích nghi với vùng ĐBSCL và cho năng suất cao.
Song song với áp dụng giống lúa mới, nhiều mô hình canh tác đã được triển khai có hiệu quả. Có thể kể đến mô hình 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI trong canh tác lúa chất lượng cao, thực hiện tại 5 tỉnh/thành phía Bắc và 13 tỉnh/thành phía Nam. So với kiểu canh tác truyền thống, ruộng đồng tăng năng suất 0,54 - 0,61 tấn/ha, lợi nhuận tăng 6,3 triệu đồng/ha, đi kèm các lợi ích khác về bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn có mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ sinh học; Sản xuất lúa chất lượng cao; quy trình quản lý bệnh đạo ôn an toàn với môi trường sinh thái...
Với thế mạnh khác của vùng Nam Bộ là cây ăn trái, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng chuyển giao nhiều loại cây ăn trái có giá trị, vẫn cho năng suất ổn định trong điều kiện thời tiết thay đổi như vài năm gần đây. Bao gồm giống bưởi đường lá cam ít hạt LĐ4, giống thanh long ruột tím hồng LĐ5, giống cam sành không hạt LĐ6, sầu riêng SRHB11, chôm chôm CCBR3, xoài cát hòa lộc HL01... Một số giống rau như; giống ớt cay F1 Long Định 3, giống dưa leo lai LĐ7, giống đậu bắp lai LĐ8 và các giống hoa nuôi cấy mô. Viện cũng chuyển giao hơn 400 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP song song với các loại giống, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Nghiên cứu gắn với thị trường
Theo ông Trịnh Khắc Quang, quyền Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để đảm bảo nâng cao thu nhập của người dân, khoa học cây trồng cần cung cấp kịp thời các giải pháp về quản lý, tổ chức sản xuất cũng như công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị cho mỗi sản phẩm theo nguyên tắc “ít hơn và nhiều hơn”. Đó là đầu tư vật chất và tài nguyên ít hơn, lao động ít hơn, rủi ro ít hơn song giá trị sản xuất và thu nhập cao hơn.
Theo định hướng trên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã ưu tiên các sản phẩm nghiên cứu gắn chặt với nhu cầu thị trường. Chỉ trong 3 năm (2013 – 2015), Viện đã có 50 giống được công nhận giống chính thức, 70 giống được công nhận sản xuất thử. Trong đó, đã chuyển nhượng bản quyền và ủy quyền kinh doanh 34 giống cây trồng (26 giốnglúa; 8 giống ngô) cho 12 doanh nghiệp. Tổng giá trị đạt trên 90 tỷ đồng. “Đây là tỷ lệ thương mại hóa sản phẩm rất cao từ trước đến nay. Viện đã chuyển giao khai thác độc quyền 5 giống cây cho một số công ty. Số lượng chưa nhiều so với số giống tạo ra, nhất là các giống thuần, nhưng là tín hiệu tích cực về liên kết Khoa học - Doanh nghiệp”, ông Quang khẳng định.
Ngoài giống, các Viện khoa học cũng tích cực chuyển giao quy trình thâm canh, tái canh, cải tạo vườn cây ăn quả, cây công nghiệp nhằm giúp cây trồng thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Một số quy trình đã thành công nhân rộng là ghép cải tạo cây ăn quả, tái canh cà phê, phòng trừ bệnh đốm nâu thanh long, thâm canh điều. Các quy trình sản xuất bền vững trên đất dốc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, canh tác tối thiểu, sử dụng phân bón hợp lý, sản xuất an toàn, xử lý môi trường cũng được đánh giá cao. Bên cạnh việc chuyển giao giống và kỹ thuật, Viện Khoa học Việt Nam tiếp hỗ trợ các địa phương phát triển vùng sản xuất, chuỗi giá trị và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho giống cây đặc sản. Theo nhiều chuyên gia, các giống cây trồng bản địa năng suất cao, chất lượng tốt theo yêu cầu thị trường, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường (Hạn, úng, mặn, phèn và chống chịu sâu bệnh hại). Việc đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường cũng là lợi thế để tăng xuất khẩu nông sản.
Khánh Ly/monre.gov.vn